Vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc thành lập chợ Thông Lưu

Cập nhật ngày: 17/11/2014 13:47:15

Nhằm đáp ứng sự mong đợi của người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, Đảng ủy, UBND phường 3 (TP.Cao Lãnh) đã lãnh đạo, chỉ đạo thành lập chợ Thông Lưu (còn gọi là chợ Mỹ Thiện hay chợ phường 3). Sự hình thành và phát triển của ngôi chợ này có sự đóng góp không nhỏ của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể phường 3.


Cô Trần Thị Cẩm Em (bên trái) là một trong những tiểu thương đầu tiên đăng ký
vào buôn bán tại chợ Thông Lưu

Chợ Thông Lưu hoạt động vào tháng 7/2014 (tọa lạc tại khóm Mỹ Thiện, phường 3). UBND phường có nhiều cố gắng trong việc tìm quỹ đất xây dựng chợ, đầu tư khoảng 50 triệu đồng san lấp mặt bằng và xây dựng nền chợ rộng hơn 460m2. Đặc biệt để thu hút và tạo điều kiện cho bà con an tâm kinh doanh, thời gian đầu, các hộ tiểu thương được đăng ký vào chợ buôn bán miễn phí. Ngoài ra, MTTQ và các đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động hộ kinh doanh đăng ký vào chợ. Qua đó, thu hút được nhiều người dân đến mua bán, trong đó có hội viên Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... Nhằm đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh, thu hút đông đảo người dân trong phường và các địa bàn lân cận đến mua bán tại chợ Thông Lưu, Ủy ban MTTQ và UBND phường 3 đã xây dựng Kế hoạch liên tịch về việc thành lập các “Nhóm nòng cốt” tại chợ gồm một số hộ tiểu thương, MTTQ và các thành viên...

Theo đồng chí Bùi Duy Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 3, MTTQ và các đoàn thể phường phụ trách công tác vận động, kêu gọi các hộ tiểu thương đăng ký buôn bán tại chợ; tuyên truyền việc thành lập chợ Thông Lưu trong toàn địa bàn; nắm tình hình dư luận và các ý kiến của nhân dân để kịp thời tham mưu Đảng ủy phường có giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. MTTQ và các đoàn thể thường xuyên gần gũi, thăm hỏi tình hình làm ăn của tiểu thương; góp ý để bà con chọn bán những sản phẩm phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng với giá cả hợp lý. Các hộ tiểu thương còn được tạo điều kiện vay vốn đầu tư kinh doanh...

Ban đầu, bà con cũng lo lắng việc buôn bán gặp khó khăn, nhưng chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi; MTTQ và các đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động nên nhiều tiểu thương vào buôn bán tại chợ. Mới thành lập, chỉ có 10 hộ tiểu thương đăng ký vào bán. Qua khoảng 4 tháng đi vào hoạt động, đến nay chợ Thông Lưu có hơn 38 hộ tiểu thương, trong đó có từ 20 đến 25 hộ buôn bán thường xuyên. Thời gian hoạt động của chợ chủ yếu trong buổi sáng (từ 5 giờ đến 9 giờ).

Cô Trần Thị Cẩm Em (SN 1962) cho biết: “Lúc trước, tôi bán gà, vịt ở chợ Cao Lãnh. Mấy tháng nay, được địa phương vận động, tôi về bán quần áo ở chợ Thông Lưu cho gần nhà. Thời gian tới, nếu cây cầu nối phường 3 với phường 6 và xã Tịnh Thới được xây dựng thì tình hình buôn bán sẽ càng tốt hơn”. Chợ được thành lập, nhiều người dân địa phương rất phấn khởi vì bà con tiết kiệm được chi phí, thời gian khi đi chợ, trong khi giá cả hàng hóa ở đây cũng hợp lý.

Tuy nhiên, do mới thành lập và bà con chỉ họp chợ trong buổi sáng nên cơ sở vật chất của chợ còn một số khó khăn về điện, nước sinh hoạt... Tiểu thương Nguyễn Thị Liên (SN 1959) cho biết: MTTQ và các đoàn thể ở địa phương thường xuyên tuyên truyền nên ý thức của các hộ tiểu thương trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng lên. Nhưng về lâu dài thì cần đặt tại chợ một thùng rác công cộng để có nơi tập trung rác thải.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng đa số tiểu thương ở chợ Thông Lưu cảm thấy phấn khởi vì được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con an tâm mua bán.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn