Chuyển biến tích cực, hiệu quả trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Cập nhật ngày: 04/01/2022 05:49:26

ĐTO - Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, chính quyền địa phương. Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và ngành lao động-thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã thích ứng linh hoạt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công tác giáo dục; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chăm lo tốt cho người dân trong tỉnh, giúp người dân ngoài tỉnh trở về có cuộc sống ổn định.


Đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (thứ 3 từ trái sang) trao tặng thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh tại huyện Hồng Ngự

Năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT đã thực hiện tốt công tác tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến các hoạt động chuyên môn phù hợp với tình hình dạy và học. Bên cạnh đó, đã chỉ đạo và phối hợp tổ chức thực hiện các biện pháp thích ứng với phương pháp dạy và học trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Mỗi giáo viên (GV) từ khu vực thành thị đến nông thôn đều hết lòng chia sẻ những khó khăn cùng với học sinh (HS) và phụ huynh HS. Trong năm học mới, nhiều GV không quản vất vả đến từng nhà HS để cài đặt phần mềm học tập, trao thiết bị học tập trực tuyến. Mỗi GV không chỉ làm tốt nhiệm vụ soạn bài, cập nhật phần mềm giáo án điện tử, truyền đạt kiến thức và tương tác với HS trong từng tiết dạy. Chia sẻ áp lực cùng với ngành GD&ĐT, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã chung tay vận động từ nhiều nguồn lực hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Từ những tấm lòng, sự chung tay của mọi người, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Qua đó, toàn tỉnh đã vận động được 10,58 tỷ đồng; 2.778 điện thoại, máy tính bảng; cho mượn 72 máy tính. Các trang thiết bị đã được chuyển cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm điều kiện cho các em tham gia học tập, 100% HS các khối từ lớp 8 đến lớp 12 đã có thiết bị học trực tuyến.

Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được Sở LĐ-TB&XH tập trung thực hiện, đến nay đã tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm, có 381 doanh nghiệp tham dự trực tiếp và trực tuyến, thu hút 6.799 lao động tham dự, tư vấn việc làm, đăng ký tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Khoảng 60.000 lượt người có nhu cầu, đăng ký học nghề và được giới thiệu việc làm. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thành phố đã triển khai, thực hiện các chính sách đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm ở các địa phương góp phần tích cực trong công tác tạo việc làm cho người lao động.

Đến nay toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 43.166 lao động, đạt 143% so với chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó có 1.512 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 101% so với chỉ tiêu giao. Đặc biệt trong năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh đạt và vượt các chỉ tiêu đào tạo hệ trung cấp, phối hợp thực hiện hiệu quả các chương trình liên thông. Các chương trình đào tạo gắn với giải quyết việc làm, đào tạo theo chương trình liên kết, đặt hàng từ các đơn vị tuyển dụng đã mang lại hiệu quả tích cực, đảm bảo 100% cơ hội việc làm cho HS, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học.

Song song đó, các chính sách bảo hiểm thất nghiệp được triển khai, trong năm 2021, các đơn vị liên quan đã tiếp nhận 11.720 hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, qua thẩm định đã ra quyết định hưởng trợ cấp cho 9.362 người; tổ chức tư vấn học nghề và việc làm cho 8.640 lao động (hỗ trợ học nghề cho 306 lao động; giải quyết việc làm cho 387 lao động). Triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp đến với người dân và doanh nghiệp; vận động người dân, người lao động và người sử dụng lao động tích cực tham gia các loại hình bảo hiểm. Qua đó đã có 95.075 lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 21.280 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 153% so với chỉ tiêu.

Năm 2022, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, triển khai, thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình của Chính phủ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin từng bước thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Sở LĐ-TB&XH tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lực lượng lao động. Quan tâm đào tạo các ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia đã được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch lao động trong nông nghiệp giảm dưới 46,6%, nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,6%, trong đó, qua đào tạo nghề đạt 52,8%.

H.An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn