Để sầu riêng không thành sầu chung

Cập nhật ngày: 04/08/2022 05:32:36

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220804081732saurieng.mp3

 

ĐTO - Việc phát triển trồng sầu riêng (SR) với tốc độ phi mã như hiện nay dễ phát sinh thành nỗi “sầu chung” của nhà vườn nếu ngay bây giờ không có giải pháp mạnh mẽ, căn cơ.


Vườn sầu riêng ở thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông) trên nền đất lúa cao sản

Bùng nổ trồng trên diện rộng

Thời gian qua, tại nhiều địa phương Nam bộ, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cây SR đang rất hot. Không chỉ trở thành chủ đề chính của chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế những trái cây bị mất giá trong thời gian qua như: xoài, chanh, ổi... SR còn lấn sân cả những vườn mít Thái từng một thời được mệnh danh: Cây hái tiền. Thậm chí tại Đồng Tháp, SR còn lấn sân sang đất chuyên canh lúa cao sản tại các huyện Tháp Mười, Tam Nông... Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ trong 10 năm, diện tích sầu riêng đã tăng thêm 53.780ha, tăng trên 300%. Cụ thể, năm 2010 chỉ có 17.600 ha (sản lượng 107.600 tấn), đến năm 2020 diện tích đạt 71.381ha, sản lượng 588.025 tấn. Có rất nhiều nguyên nhân để tạo ra sự “bùng nổ” này, nhưng cơ bản là vì được cho là lợi nhuận cao. Thực tế cho thấy, giá bán SR trên thị trường thường xuyên ở mức cao. “Tại Trung Quốc vào tháng 5/2022, giá bán sỉ SR của Thái Lan tương đương 152.573 đồng/kg; còn tại thị trường Singapore, SR Musang King của Malaysia dao động ở mức 464.600- 580.750 đồng/kg”, ThS Nguyễn Phước Tuyên - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp cho biết. Thậm chí có thời điểm, giá Musang King lên đến 2 triệu đồng/kg, nên SR được mệnh danh là vua của trái cây. Tại Việt Nam, giá SR cũng đứng ở mức cao. Có thời điểm giá bán tại vườn lên đến 100.000 đồng/kg. Với mức giá này, 1ha SR mỗi năm mang về tiền tỷ cho nhà vườn.

Trái với tốc độ phát triển vùng trồng, công tác chăm sóc SR lại là tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Đa số những vườn mới trồng SR đều dựa trên kiến thức truyền miệng. Đó là chưa kể đến nạn trồng SR đến bất chấp như: đưa xuống vùng đất phèn - nơi được xem là khắc tinh của chúng” - ThS Tuyên trăn trở. Trong khi đó SR là cây cực kỳ “đỏng đảnh”, đòi hỏi khắc khe từ khâu chăm sóc, xử lý ra hoa, nuôi trái đến phòng trừ sâu bệnh. Đó là chưa kể đến yếu tố phong trào phát triển cây SR ở ĐBSCL cũng chưa tính đến thị trường với những câu hỏi rất thiết thực như: bán cho ai, vào thời điểm nào, giá bao nhiêu, bán như thế nào...

Thị phần đã hẹp, càng thêm hẹp

Hiện, tại vùng đất lúa ở ĐBSCL đã mọc lên nhiều vườn SR và việc nhiều người trồng “bỗng dưng” trở thành nhà cung cấp cây giống, cho thấy phong trào trồng SR ở ĐBSCL vẫn sẽ phát triển và chưa có điểm dừng.

Trái với sự tăng trưởng nóng của phong trào trồng SR, thực tế thời gian qua, tại các quốc gia cho thấy đầu ra của trái SR luôn có giới hạn, thậm chí là sự giới hạn đó đang ngày càng khắc nghiệt hơn. Với vỏ đầy gai nhọn và thịt (cùi) nặng mùi, SR không được nhiều người, nhất là Châu Âu yêu thích. Thậm chí ngay ở vùng ĐBSCL và miền Đông Nam bộ, nơi được xem là thủ phủ SR Việt Nam, cũng có không ít người không thể chịu đựng được với mùi SR. Đã thế, việc vận chuyển tiêu thụ mặt hàng này càng không đơn giản. “Nhiều hãng hàng không, phương tiện vận chuyển công cộng (taxi, xe lửa, xe bus...), thậm chí là khách sạn cũng “hạn chế” với loại trái cây này”- ThS Tuyên nhấn mạnh. Trong lúc thị trường tiêu thụ gần như chỉ quanh quẩn ở các nước khối Asean thì thị phần khá hẹp này lại thường xuyên chứa đựng những khắc nghiệt ngoài quy luật kinh tế. Trung Quốc, thị trường tiêu thụ SR lớn nhất thế giới, đã không còn dễ tính như quan niệm của đa số người Việt. Bên cạnh các yêu cầu để đạt chuẩn xuất chính ngạch, quốc gia này còn áp dụng chuẩn  “GAP plus +” (plus + là bảo đảm không để lây nhiễm Covid-19). Còn Việt Nam đến nay, vẫn xuất khẩu SR qua đường tiểu ngạch vốn đầy rủi ro và bất trắc. Trong khi đó, Thái Lan, nổi lên như “ông trùm” của phiên chợ SR lớn nhất thế giới khi Hiệp hội SR quốc gia này đã liên kết với tập đoàn bán lẻ Alibaba Group và Rainbow Group để đẩy nhanh thị trường tại 33 thành phố lớn tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc, từng bước đẩy mạnh việc trồng bên ngoài biên giới. “Hiện các doanh nghiệp Trung Quốc đã khảo sát SR ở tỉnh Battambang (Vương quốc Campuchia) nơi có giống Samlout chất lượng tương đương giống Monthong Thái”- ThS Tuyên nhấn mạnh thêm - “Trước mắt, họ đồng ý mua với giá tương đương 116.125 đồng/kg, xuất khẩu qua ngả Thái Lan (vì giữa Trung Quốc và Campuchia chưa có hiệp thương SR), dự kiến năm 2023 sẽ đạt thỏa thuận chính thức”.

Điều này mở ra viễn cảnh đầy lo ngại: thị phần SR đã hẹp, lại càng hẹp hơn.


Phía trước là vườn sầu riêng xanh ngút, phía sau là đồng lúa chín vàng

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Theo ThS Tuyên, trong dự án chuyên ngành hàng sầu riêng, Thái Lan dự báo giai đoạn 2022 -  2026, nhiều quốc gia cũng tăng tốc với SR. Như Campuchia tăng sản lượng gần 58%. Tương tự, Lào trên 60% và Myanmar tăng trên 135%... Điều này cho thấy, cuộc tranh chấp đã khắc nghiệt lại càng khắc nghiệt hơn. Trong khi đó, việc phát triển thị trường loại trái cây này cần có nhiều thời gian. “Để mở rộng thị trường SR, Malaysia và Thái Lan mất 10 năm mời các lãnh tụ quốc gia đến thưởng thức, sau đó, họ quảng bá các hình ảnh này lên các phương tiện truyền thông, biến món ăn này trở thành loại thực phẩm cao cấp trong các yến tiệc”- TS Tuyên chia sẻ. Mặt khác, Thái Lan đã đầu tư lớn cho nhà vườn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Để được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch, bên cạnh việc đôn đốc để có trên 120.000 vườn đạt chứng nhận “GAP plus +”, Thái Lan còn hỗ trợ để nhà vườn đầu tư trên 1.000 nhà máy sơ chế xuất khẩu SR đạt các tiêu chí: Codex, IPPC, HACCP, GMP, GAP, BRC, IFS, GLOBAL GAP hoặc Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (FSA)... Ngoài ra, Công ty BioSine BIS của Thái Lan phát triển bộ thử nghiệm Real Time PCR COVID-19 cho trái SR xuất khẩu, cho phép phát hiện virus Covid trên trái, hộp đóng gói, container... được FDA chứng nhận mà chưa nước nào trên thế giới có được. Do đó, Thái Lan là quốc gia duy nhất được Trung Quốc cho phép bán SR tươi. Vì thế xuất khẩu SR năm 2021 của Thái Lan cao gấp đôi so với xuất khẩu gạo. “Bên cạnh những tiêu chí nghiêm ngặt từ sản xuất đến đóng gói xuất khẩu, họ còn ban hành đạo luật bảo vệ người tiêu dùng trong nước” - ThS Tuyên cho biết thêm. Theo đó, nhà vườn bán SR chưa chín tới, không đạt chất lượng sẽ bị phạt tù (tối đa 6 tháng), phạt tiền (tối đa tương đương 48 triệu đồng). Người bán hàng không đạt chất lượng bị phạt tù 6 tháng hoặc phạt tiền (tối đa 8 triệu đồng). Do đó, chất lượng SR Thái Lan từ tiêu thụ nội địa đến xuất khẩu đạt độ đồng đều rất cao về chất lượng, tạo niềm tin của khách hàng. Trong khi đó, quốc gia này lại có bước phát triển rất thận trọng. Trong 11 năm (2011-2022), diện tích canh tác SR của Thái Lan chỉ tăng hơn 50% (96.720ha/146.400ha năm 2022), nhưng năng suất của họ lại tăng đến gần 160%. Chìa khóa thành công ở đây là họ không phát triển nóng bằng mọi giá. Chỉ trồng thay vào những rừng cao su già không hiệu quả kinh tế và chăm sóc đúng theo hướng dẫn khoa học.

Tất cả cho thấy, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, quyết liệt và hữu hiệu, khả năng phong trào trồng SR bằng mọi giá trở thành nỗi sầu chung cho nhà vườn ĐBSCL nói riêng, Việt Nam nói chung.

Lục Tùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn