Độc đáo ý tưởng viết thư pháp trên lá sen khô của thầy giáo trẻ Trịnh Phi Long

Cập nhật ngày: 31/07/2022 09:46:58

ĐTO - Bén duyên với thư pháp từ năm cấp 2, thầy giáo trẻ Trịnh Phi Long đã “thổi hồn” vào lá sen khô bằng những nét bút thư pháp sống động, mang nhiều thông điệp ý nghĩa.


Anh Trịnh Phi Long “cho chữ” tại Lễ hội Sen Đồng Tháp năm 2022

Anh Trịnh Phi Long (SN 1986, ngụ xã Định Yên, huyện Lấp Vò) hiện là giáo viên Mỹ thuật Trường Tiểu học Hòa Bình 2, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông. Với niềm đam mê thư pháp từ năm cấp 2, hơn 13 năm theo đuổi bộ môn này, anh Long đã sáng tác nhiều tác phẩm thư pháp đến với mọi người.

Gặp anh Trịnh Phi Long tại Quảng trường Văn miếu TP Cao Lãnh khi anh đang tất bật viết chữ tặng cho du khách đến tham quan Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I năm 2022. Tận mắt chứng kiến những tác phẩm thư pháp do anh sáng tạo mới thấy được nét tài hoa của người giáo viên này. Những trang giấy vô hồn khi qua ngòi bút thư pháp điêu luyện của anh Long nhanh chóng trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động.

Để có được những nét chữ uyển chuyển, mềm mại đó, anh Long tốn không ít thời gian để theo đuổi, rèn luyện. Anh Long nhớ lại: “Anh bắt đầu tập viết thư pháp từ năm học lớp 7, nhưng lúc đó chỉ mới tập tành cho vui. Sau này đi học đại học, anh mới có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với thư pháp. Qua thời gian rèn luyện, nhất là trải nghiệm “bán chữ” vào các dịp lễ, Tết kiếm tiền trang trải chi phí học tập đã giúp chữ viết của anh ngày càng tiến bộ hơn.

Ra trường, ngoài giờ dạy trên lớp, anh Long còn thường nhận lời tham gia các sự kiện trong tỉnh để “cho chữ”. Đặc biệt, sự kiện Lễ hội Sen năm 2022 là dịp để anh thỏa niềm đam mê và thả hồn vào từng nét chữ, khuôn giấy, mang thư pháp đến với công chúng theo cách riêng của mình.

Với sự sáng tạo trong nghệ thuật, anh Long đưa thư pháp lên lá sen khô. Anh Long chia sẻ, ý tưởng viết thư pháp trên lá sen xuất phát từ năm 2017, khi lần đầu tỉnh tổ chức sự kiện văn hóa tôn vinh giá trị của cây sen. Là người con của Đồng Tháp với mong muốn đóng góp cho quê hương, anh bắt đầu nghiên cứu và nhận thấy lá sen là vật liệu phù hợp để viết thư pháp.


Nhà báo Tùng Thiện được anh Trịnh Phi Long tặng chữ “Thiện Nhân”

Theo anh Long, thời gian đầu khi viết thư pháp trên lá sen, anh gặp rất nhiều khó khăn khi độ bền của lá sen thấp hơn so với giấy, lại khó bảo quản. Bên cạnh đó, bề mặt lá sen nhẵn bóng và có nhiều gân nên rất khó ăn mực. Để khắc phục, anh đã tìm tòi, nghiên cứu ra loại mực chuyên dụng khi viết trên lá sen. Hiện nay, anh Long liên kết được với một công ty chịu trách nhiệm cung cấp lá sen qua công đoạn sấy, anh chỉ thực hiện công đoạn nhuộm màu, viết và đóng khung.

Nhờ yếu tố độc, lạ và mang nhiều ý nghĩa nên tác phẩm thư pháp của anh Long được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, đặt mua ngày càng nhiều. Tính đến nay, anh Long đã có hơn 400 bức thư pháp viết trên lá sen cung ứng cho thị trường. Với giá dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng tùy theo kích cỡ của tranh, số lượng chữ và hình vẽ. Thông qua các tác phẩm của mình, anh Long mong muốn gửi gắm, giới thiệu đến du khách về quê hương, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn