Các loài rùa biển tại Việt Nam đang ngày càng suy giảm

Cập nhật ngày: 11/12/2022 06:25:25

Theo kết quả nghiên cứu do IUCN và Viện nghiên cứu môi trường biển thực hiện, các loài rùa biển Việt Nam đang ngày càng suy giảm. Số lượng rùa lên bờ đẻ trứng giảm từ 10.000 cá thể mỗi năm vào những năm 1980 xuống còn 450 cá thể vào năm 2019.


Một cá thể vích tại Côn Đảo chuẩn bị trở về với đại dương sau khi được các cán bộ kiểm lâm ấp nở thành công. (Ảnh: Sơn Bách)

Chiều 10/12, tại Hà Nội, Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã tổ chức lễ tổng kết chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển, trao giải cuộc thi Ký ức rùa biển. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Bảo tồn bãi đẻ rùa biển có sự tham gia của cộng đồng và giảm đánh bắt không chủ ý tại Việt Nam.

Lễ tổng kết được tổ chức với mục đích nhìn lại chặng đường bảo tồn rùa biển trong 8 năm qua, đồng thời là dịp để các chuyên gia, tổ chức kết nối mở rộng mạng lưới tạo thêm nguồn lực cho hoạt động bảo tồn rùa biển tại Việt Nam.



Bà Bùi Thị Thu Hiền - đại diện IUCN trình bày tại buổi lễ

Bà Bùi Thị Thu Hiền - điều phối viên chương trình biển và vùng bờ (IUCN) cho hay: Tại Việt Nam hiện có 5 loài rùa biển, bao gồm vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quản đồng và rùa da. Tuy nhiên, hiện nay số lượng các loài này đều đang giảm mạnh. Tất cả các loài đều được liệt kê trong sách đỏ IUCN cũng như thuộc danh sách động vật hoang dã đang gặp nguy hiểm cần được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP.

Cũng theo bà Hiền, điều đáng buồn là số lượng rùa lên bờ đẻ trứng có dấu hiệu suy giảm nhanh chóng theo thời gian. Theo kết quả nghiên cứu do IUCN và Viện nghiên cứu môi trường biển (IMER) thực hiện, số lượng rùa lên đẻ trứng tại Việt Nam đã giảm từ 10.000 cá thể mỗi năm vào thập niên 1980 xuống còn 450 cá thể vào năm 2019. Về phân bố, hầu hết số lượng rùa đẻ trứng tập trung ở Côn Đảo (425 cá thể/năm), trong đó chủ yếu là vích.


Cán bộ kiểm lâm "làm bà đỡ" cho vích Côn Đảo. (Ảnh: Sơn Bách)

“Một khảo sát khác do IUCN thực hiện vào năm 2017 cho thấy tại vùng biển các tỉnh khu vực miền bắc và miền trung, 2/5 loài rùa biển bao gồm đồi mồi và rùa da đã… biến mất”, đại diện IUCN thông tin thêm.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng rùa biển giảm là do khai thác quá mức các bãi đẻ rùa, nhận thức của cộng đồng còn kém dẫn đến tình trạng đánh bắt, buôn bán bất hợp pháp rùa biển và các sản phẩm làm từ rùa. Ngoài ra, hiện tượng mất sinh cảnh, nguồn thức ăn và sự suy giảm chất lượng môi trường cũng là nguyên nhân đe dọa trực tiếp các loài rùa biển.

“Rạn san hô và thảm cỏ biển tại các vùng biển ở Việt Nam cũng đang bị suy thoái nhanh, thậm chí tại các khu bảo tồn biển. Ô nhiễm rác thải nhựa cũng là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển trong đó có rùa”, bà Hiền cảnh báo.


Ấp nở cho vích Côn Đảo. (Ảnh: Sơn Bách)

Cụ thể, vị chuyên gia này cho biết: Rùa biển có nguy cơ cao ăn phải các mảnh vụn nhựa và hậu quả có thể gây tử vong. Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp, Khoa học Khối thịnh vượng chung Anh năm 2019 đã phát hiện ra rằng, khi một con rùa có 14 mảnh vụn bằng nhựa trong ruột của nó, thì khả năng dẫn đến cá thể đó tử vong là 50%.

Từ năm 2014, IUCN đã khởi xướng chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển với sự hợp tác của Vườn quốc gia Côn Đảo, Khu bảo tồn biển Hòn Cau và Vườn quốc gia núi Chúa… Dự án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và tầm quan trọng của rùa biển thông qua việc tạo cơ hội cho họ tham gia vào công tác nghiên cứu, bảo vệ rùa biển tại các bãi đẻ.
Bên cạnh đó, dự án cũng tập trung đào tạo đội ngũ tình nguyện viên có hiểu biết, kỹ năng cũng như tăng cường năng lực cho chính các khu bảo tồn.

Qua 8 năm thực hiện, chương trình đã nhận được khoảng 11.000 đơn đăng ký tham gia, 500 tình nguyện viên được lựa chọn.

Theo SƠN BÁCH (NDO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn