Nhược thị có thể hồi phục hoàn toàn?

Cập nhật ngày: 19/02/2023 06:20:55

Nhược thị là tình trạng giảm thị lực (dưới 7/10 và không thể đạt được 10/10 sau khi đã chỉnh kính tối ưu) ở một hoặc hai mắt hoặc có sự khác biệt thị lực giữa hai mắt > 2 dòng sau khi đã được điều chỉnh kính tối ưu. Nhược thị gây giảm thị lực thường gặp ở trẻ em với tỷ lệ là 1 - 4%.


Kiểm tra, hướng dẫn cách chăm sóc mắt cho học sinh Tiểu học

Nguyên nhân nhược thị là do không nhìn rõ hay bất thường tương tác thị giác hai mắt không kèm theo tổn thương thực thể khi khám và một số trường hợp có thể điều trị khỏi. Nhược thị thường là ở một bên mắt nhưng có một số ít trường hợp nhược thị ở cả hai mắt. Các biểu hiện thường gặp như: nhìn mờ một hoặc hai mắt; mỏi mắt; có thể kèm theo lác, sụp mi; giảm thị lực: ở một mắt hoặc cả hai mắt sau khi chỉnh kính, hoặc chênh lệch thị lực 2 mắt 2 hàng thị lực. Ở trẻ nhỏ không thử được thị lực thì dựa vào sự định thị của mắt và khả năng nhìn theo đồ vật. Hiện tượng đám đông: trẻ đọc từng chữ từng mắt rời rạc dễ dàng hơn khi đọc nguyên hàng chữ.

Nhược thị có 2 loại:

- Nhược thị chức năng là loại nhược thị mà thị lực có thể phục hồi sau điều trị và thường không kèm theo các bệnh lý thực thể ở mắt.

- Nhược thị thực thể là tình trạng thị lực không thể phục hồi được sau điều trị và thường kèm theo các bệnh lý khác ở mắt, có thể do một nguyên nhân đơn lẻ hoặc phối hợp nhiều nguyên nhân. Có 3 nguyên nhân thường gặp nhất:

Lé: Có thể ở 1 mắt, 2 mắt hoặc lé luân phiên. 50% trong số trẻ em bị mắt lé bị nhược thị.

Tật khúc xạ: nhược thị do khúc xạ xuất hiện ở trẻ em do không điều chỉnh kịp thời hiện tượng khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, bất đồng khúc xạ) bằng việc đeo kính nên đã cản trở việc phát triển thị lực ở trẻ em.

Các bệnh ở mắt: bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, sụp mí bẩm sinh hoặc xuất hiện từ khi còn nhỏ, sẹo giác mạc...

Cách nhận biết trẻ bị nhược thị:

Biểu hiện dễ thấy nhất của nhược thị là nhìn mờ, được biểu hiện khi: trẻ tự phát hiện nhìn mờ; trẻ xem tivi, đọc sách, viết ở khoảng cách gần; nheo mắt, dụi mắt, nghiêng đầu.. để tập trung nhìn một vật gì; mỏi mắt... Điều này rất ảnh hưởng đến học tập (đọc viết chậm, học mau mệt, tiếp thu chậm, viết bài sai, hay nhức mắt...); ảnh hưởng đến sinh hoạt (hay bị va chạm, làm vỡ, đổ vật dụng, dễ bị té ngã, khó hòa nhập, không tự tin...) về lâu dài có thể dẫn đến mắc các bệnh ở mắt, thậm chí mù lòa nếu không được điều trị.

Nhược thị nếu được phát hiện càng sớm thì khả năng điều trị và hồi phục càng cao, giai đoạn điều trị nhược thị tốt nhất là từ 3 - 7 tuổi, hiệu quả không cao khi điều trị ở giai đoạn 8 - 12 tuổi và sau 12 tuổi thì hiệu quả rất kém.

Cách phòng tránh nhược thị hiệu quả cho trẻ:

- Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ tư thế ngồi học thẳng lưng, mắt cách mặt chữ 30cm; phòng học đảm bảo đủ ánh sáng, bàn ghế đúng tiêu chuẩn theo từng cấp học, đèn để phía đối diện với tay cầm bút.

- Không nên cho trẻ đọc sách, xem tivi, chơi điện tử quá 2 giờ liên tục. Bởi ánh sáng đèn LED từ các thiết bị này là tác nhân gây ra và làm các căn bệnh về mắt có chiều hướng trầm trọng hơn. Ngoài ra, không nên cho trẻ đọc sách trên tàu xe, khi nằm ngửa hoặc ở những nơi thiếu ánh sáng.

- Cần có chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lí, điều độ, nhiều chất xơ và vitamin để góp phần đảm bảo thị lực cho cả trẻ em và người lớn.

- Đưa trẻ đi khám mắt thường xuyên 2 lần/năm để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ở mắt và điều trị kịp thời. Đối với những đối tượng có khả năng mắc nhược thị cao như: trẻ sinh non, nhẹ cân, chậm phát triển, bại não hay người có tiền căn gia đình mắc tật khúc xạ cao, lác/lé, nhược thị và đục thể thủy tinh bẩm sinh... cần được khám mắt tổng quát toàn diện càng sớm càng tốt và duy trì lịch khám định kỳ.

Mỹ Hạnh - CDC Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn