Tại sao thuốc lá lại khó bỏ?

Cập nhật ngày: 22/06/2022 10:34:11

Thành phần chính trong khói thuốc lá là nicotine, một chất khí không mùi, không màu, không vị nên khi hít vào cơ thể không nhận ra sự có mặt của nó và chỉ mất 7 giây, nicotine vào phổi đã lên não của bạn. Đầu tiên, nicotine sẽ “bắt chước” một số chất dẫn truyền thần kinh gửi tín hiệu lên não bộ vì nicotin có hình dạng tương tự như chất dẫn truyền acetylcholine. Chính vì vậy mà tín hiệu trong não tăng lên. 


Tác hại của việc hút thuốc lá được in trên bao bì gói thuốc lá để cảnh báo mọi người

Tuy nhiên, theo thời gian, nicotine sẽ thay thế các thụ thể acetylcholine trong hệ thống dẫn truyền thần kinh, não bộ sẽ không đáp ứng với acetylcholine nữa, gây ra tình trạng tiếp tục cần nicotine và ngày càng cần nhiều. Nicotine cũng kích hoạt giải phóng dopamine tạo cảm giác hưng phấn tương tự như sử dụng heroin và cocain nên não của bạn sẽ coi việc sử dụng nicotine có liên quan đến cảm giác thoải mái.

Khi bạn muốn cai thuốc lá nhưng não bộ của bạn đã quen với việc sử dụng nicotine thì việc cắt, giảm nicotine hay ngưng hút thuốc đột ngột có thể gây ra sự thay đổi hay hội chứng cai nghiện khiến cho bạn gặp phải một số triệu chứng như lo lắng, khó chịu, căng thẳng, dễ nổi nóng, trầm cảm, mất ngủ, nhức đầu, mệt mỏi... Những khó chịu này bắt đầu vài giờ sau khi hút điếu thuốc cuối cùng, tăng đến mức tối đa trong vòng 48 - 72 giờ đồng hồ sau và có thể kéo dài đến vài tuần. Khi các vấn đề này xảy ra với cơ thể, bạn có thể quyết tâm, kiên trì vượt qua chúng nhưng nhiều người lại quay về với những điếu thuốc để cảm thấy dễ chịu, thậm chí có người lại còn hút nhiều hơn lúc trước.

Sự thay đổi này xảy ra trong não bộ là kết quả của một quá trình được lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến lệ thuộc vào nicotine vì cơ thể bạn đang cảm thấy sự cần thiết của chất này trong hệ thống dẫn truyền thần kinh. Càng lệ thuộc bao nhiêu thì càng khó bỏ bấy nhiêu.

Bên cạnh việc hút thuốc thì còn có những thói quen hút thuốc đi kèm. Nói một cách khác, người ta còn nghiện cả những động tác thực hiện khi hút thuốc như đốt thuốc, ngậm điếu thuốc, hít, nhả khói thuốc, gõ gõ vào gạt tàn... hoặc nghiện những cảm giác phụ như nhìn khói thuốc bay, ngửi mùi thuốc lá, cảm giác hít hơi thuốc... Cho nên trong việc bỏ thuốc, ngoài việc đối phó với nicotin, người ta còn phải tìm cách để quen dần với sự mất đi những thói quen hoặc những cảm giác phụ này, chẳng hạn trong quá trình cai thuốc có thể làm những động tác thay thế để khỏa lấp bớt sự trống vắng như cầm nắm một cái gì đó, hít thở sâu, ngậm kẹo...

Một yếu tố nữa cũng không kém phần quan trọng, đó chính là lệ thuộc tâm lý. Khi mà chúng ta đã bỏ thuốc được một thời gian dài và không còn những khó chịu do bỏ thuốc lá đem lại nhưng trong một hoàn cảnh nào đó, có một sự tác động từ bạn bè hay những người xung quanh mình như hành động khiêu khích, mời thuốc như một nhu cầu giao tiếp xã hội, một câu chuyện buồn cần lãng quên, một sự việc căng thẳng cần tập trung cao độ... những lúc này ta lại cảm thấy thèm thuốc và tìm đến nó. Hay đôi khi chỉ đơn giản là bắt gặp hình ảnh  đúng gói thuốc lá loại mình thích lúc trước...

Như vậy, thuốc lá không chỉ tác động lên não của bạn mà còn tác động đến tâm lý, ăn sâu vào tiềm thức của bạn bằng việc tạo ra một vòng tròn lẩn quẩn của việc sử dụng và những yếu tố tác động của thuốc lá, làm chúng ta không dễ dàng bỏ được và tiếp tục nghiện thuốc. Ngày nay người ta đã xếp nghiện thuốc lá là một bệnh tâm thần và cần phải điều trị.

MỸ HẠNH - CDC Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn