Đôi điều về giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ IV

Cập nhật ngày: 22/02/2022 13:43:12

ĐTO - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu tỉnh Đồng Tháp lần thứ IV đã tổ chức tổng kết vào ngày 21/12/2021. Do đại dịch Covid - 19 và một số lý do khác, nên giải đã tổ chức tổng kết chậm trọn 1 năm. Ngoài những thành công cơ bản là đã góp phần đánh giá, khẳng định, tôn vinh thành tựu văn học - nghệ thuật tỉnh nhà trong 5 năm (2015 - 2020), giải thưởng này còn có những vấn đề cần nhìn nhận, trao đổi một cách cầu thị, khách quan.

Giải thưởng này đã trao cho 45 tác phẩm đạt giải chính thức (8A; 16B; 21C) và giải “Cống hiến” cho 6 tác giả. Đây là lần trao thưởng với số lượng tác phẩm đạt giải ít nhất so với 3 lần trước (lần 1: 62; lần 2: 53; lần 3: 67). Theo thông tin từ Ban Tổ chức, đã có 326 tác phẩm của 151 tác giả gửi tham dự; 78 tác phẩm đủ tiêu chí vào chung khảo và chỉ có 45 tác phẩm đạt giải. Con số trên nói lên 2 vấn đề:

Một là, Ban Giám khảo lần này đã chấm “chặt hơn”, chọn ra những tác phẩm “xứng đáng” hơn để trao giải so với 3 lần trước. Nhưng dường như, vì thế mà đã tạo ra một “bất thường” đáng suy ngẫm. Ví dụ: chuyên ngành văn học - một chuyên ngành chủ lực - các lần trước, có khá nhiều tác phẩm đạt giải (lần 1: 20; lần 2: 16; lần 3: 16) thì lần này chỉ có 7 (thơ: 3; văn xuôi: 4). Một ví dụ khác: nhiều cây bút, tay máy, nét cọ... “chủ lực” của văn học - nghệ thuật Đồng Tháp trong những năm gần đây, đã từng đạt giải trong các lần trước, thì lần này lại không có tên (trừ một số tác giả “phạm quy”) như: Trần Tấn Lực; Thúy Nga; Nguyễn Duy Trung; Nguyễn Tùng; Võ Xuân Hùng... (âm nhạc); Thanh Hùng; Ngô Triều Dương; Bạch Phần; Minh Tuấn... (sân khấu); Khắc Chu; Nguyễn Giang San; Thanh Sen; Lê Ngọc Minh Hoàng; Siêu Thị Chiêu Linh; Cẩm Nhung... (văn học); Khắc Hiếu; Thảo Nguyên; Lâm Minh Nhựt; Hoàng Trọng; Ngọc Như... (nhiếp ảnh)... Liệt kê trên, không phải không ánh lên một điều gì đó, khiến mọi người phải ít nhiều lưu tâm... Có gì đó như là một nghịch lý, khi một số tác phẩm (sách xuất bản) đạt giải thưởng chính thức của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lại “rớt đài” ở giải thưởng cấp tỉnh như các tập truyện ngắn: “Đất quê” của Hồ Văn; “Ngồi lại với trăm năm” của Nguyễn Lệ Ba... Cũng có thể kể thêm, những cuốn sách đầu tay khá chất lượng của một số tác giả như tập thơ: “Em đâu chỉ nồng nàn” của Siêu Thị Chiêu Linh; “Nhớ” của Thanh Sen; “Cảm ơn” của Cẩm Nhung...

Hai là, biên độ “nội dung” và “thể loại” của giải thưởng, còn có sự “khắt khe”, bó hẹp, khiến nhiều tác phẩm bị “văng ra” một cách đáng tiếc. Phải khẳng định, một giải thưởng cấp tỉnh với định kỳ 5 năm, chắc chắn phải “ôm trọn” trong nó toàn bộ thành tựu, kết quả sáng tạo của tất cả mọi tác giả trên tất cả mọi lĩnh vực. Từ giải thưởng lần đầu cho đến nay, đặc biệt là giải thưởng lần thứ IV, chúng ta đã “bỏ quên” (mặc dù đã có ý kiến đề xuất là “không nên quên”) ít nhất 3 phương diện quan trọng sau đây:

1. Những tác phẩm lý luận - phê bình đã không được chấp nhận đưa vào giải thưởng như là một thể loại văn học - nghệ thuật. Đây thực sự là một phi lý! Nhiều tác phẩm lý luận phê bình của Hồ Văn; Lê Văn Mí; Lê Ngọc Minh Hoàng; Nguyễn Phước Hiểu; Nguyễn Giang San... đã phải “ngồi chơi xơi nước” trong giải thưởng danh giá này. Quả là một bất công không hề nhỏ! Khiếm khuyết nói trên cần phải được khắc phục trong giải thưởng lần thứ V, không thể khác!

2. Chúng ta khuyến khích tác giả mọi nơi viết về Đồng Tháp và chấp nhận tác phẩm của họ trong giải thưởng (như đã thực hiện trong 4 lần tổ chức), nhưng quy chế giải thưởng đã loại bỏ một phương diện rất quan trọng: tác phẩm của tác giả Đồng Tháp viết về những vấn đề khác (chung; lớn) của mọi nơi, của đất nước, của nhân loại. Thử hỏi, có một tác giả “Đồng Tháp chính hiệu” nhưng sở trường chỉ viết về những đề tài chung, những vấn đề mang tính nhân văn của nhân loại, tác phẩm lại hay, được công chúng đón nhận, ca ngợi, lại hoàn toàn đứng ngoài “đường biên” của sân chơi này, là điều có thể chấp nhận được chăng? Không! Thậm chí vô lý! Cần thiết phải thay đổi quy định này (thêm nội dung: “ngoài nội dung ưu tiên viết về Đồng Tháp, chấp nhận viết về các đề tài khác, đề tài chung... của cả nước, của nhân loại”) như nhiều địa phương khác đã và đang làm, qua đó tạo nên sự phong phú, đa dạng, toàn diện của một nền văn học - nghệ thuật.

3. Về “dung lượng” và “cấp độ” của tác phẩm tham dự, cần phải có sự tương đồng và hài hòa nhất định. Quy chế của chúng ta hiện hành còn có sự khập khiễng về điều này. Ví dụ: xét 1 tập truyện ngắn, 1 tập thơ... đã in thành sách (có ít nhất 10 truyện ngắn hay 30 bài thơ trở lên) với 1 truyện ngắn, 1 bài thơ đơn lẻ và trao giải như nhau là chưa hợp lý, chưa tương đồng. Theo tôi, trừ các tác phẩm dài, lớn như: phim và kịch bản phim; vỡ diễn và kịch bản sân khấu; hợp xướng nhiều chương; tượng đài hay phù điêu; các tập sách, đĩa CD, VCD, các chương trình riêng... đã xuất bản, phổ biến, tổ chức về văn chương, ca khúc, ca cổ, nghiên cứu - lý luận - phê bình, văn nghệ dân gian..., còn tất cả các tác phẩm dự thi khác, ít nhất phải là 1 tập bản thảo tương đương 1 tập sách sẽ in hay chí ít là 1 cụm tác phẩm có ít nhất 10 - 15 đơn vị (đối với văn chương, ca khúc, ca cổ, nghiên cứu - lý luận - phê bình, văn nghệ dân gian...); 5 đơn vị trở lên (đối với mỹ thuật, nhiếp ảnh...). Chúng ta không nên tạo ra một tiền lệ khác thường là có người trong suốt 5 năm, chỉ mài giũa, đẽo gọt, chăm chút... 1 đơn vị tác phẩm duy nhất để chờ dự Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu (và đương nhiên khả năng đạt giải là rất cao, so với những tác giả bình thường khác), còn ngoài ra... không có thêm tác phẩm nào khác, kể cả để xuất bản thành tập hay tổ chức triển lãm, biểu diễn...!

Đã 4 lần trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu tỉnh Đồng Tháp, song những vấn đề gây tranh luận, bàn cãi ở đây không phải không còn. Thiết nghĩ, cần có sự lắng nghe, tìm hiểu, chỉnh sửa để giải thưởng ngày một hoàn thiện và nhân văn hơn.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn