Hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho dân quân và bộ đội xuất ngũ

Cập nhật ngày: 18/08/2022 05:59:49

ĐTO - Thời gian qua, các đơn vị, địa phương của tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều mô hình hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho lực lượng dân quân và dự bị động viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Điều đó góp phần cho công tác xây dựng lực lượng tại địa phương vững mạnh và sẵn sàng huy động thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.


Sau khi xuất ngũ, anh Nguyễn Hữu Phúc quyết định dùng số tiền từ sổ tiết kiệm được trao tặng để học nghề và mở tiệm hớt tóc tại gia đình

Tạo sinh kế

Đầu năm 2022, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Nguyễn Hữu Phúc ngụ xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự đã dùng số tiền từ sổ tiết kiệm được địa phương trao tặng trước lúc lên đường nhập ngũ để học nghề và mở tiệm hớt tóc. Công việc tại gia đình với mức thu nhập ổn định là điều kiện tốt để anh Phúc tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương. Anh Nguyễn Hữu Phúc tâm sự: “Cha tôi mất khi chị em tôi còn nhỏ. Gia cảnh khó khăn, mẹ một mình nuôi chị em tôi khôn lớn. Giờ các chị đều đi lấy chồng ở xa, nhà chỉ còn 2 mẹ con nên tôi quyết định dùng số tiền từ sổ tiết kiệm để học nghề và mở tiệm hớt tóc, vừa có việc làm tại nhà và có thể chăm sóc cho mẹ. Mỗi tháng, tôi thu nhập khoảng 7 đến 8 triệu đồng. Cuộc sống ở quê như vầy cũng tạm ổn”.

Còn đối với anh Nguyễn Văn Linh - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Thường Thới Hậu A được hỗ trợ vay 20 triệu đồng không lãi suất từ Ban CHQS huyện Hồng Ngự. Anh tận dụng diện tích mặt nước ao có sẵn thả nuôi hơn 300 ngàn con cá tra giống. Theo anh Linh, thời gian nuôi từ 3 - 4 tháng là có thể xuất bán. Với giá thị trường như hiện nay, trừ các khoản chi phí, anh còn lãi hơn 30 triệu đồng. Anh Linh chia sẻ: “Nguồn vốn vay tôi đầu tư mua con giống, còn thức ăn và thuốc trị bệnh cho cá đến khi thu hoạch mới thanh toán cho các cửa hàng vật tư nông nghiệp nên cũng không phải đầu tư gì thêm. Mỗi năm, tôi xuất 3 lứa cá giống, thu nhập trên dưới 100 triệu đồng”.

Mô hình tặng sổ tiết kiệm cho thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự và mô hình vay vốn xoay vòng không tính lãi của Ban CHQS huyện Hồng Ngự thời gian qua đã hỗ trợ cho dân quân và bộ đội xuất ngũ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Theo Trung tá Hồ Văn Giàu - Chính trị viên Ban CHQS huyện Hồng Ngự, mô hình hỗ trợ vốn xoay vòng không tính lãi được thực hiện từ năm 2012 đến nay. Ban đầu, nguồn vốn được huy động từ sự đóng góp của lực lượng dân quân và dự bị động viên (DBĐV) khi tham gia huấn luyện, xét cho anh em có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi trong vòng 2 năm. Từ năm 2020 đến nay, Ban CHQS huyện xuất kinh phí từ tăng gia sản xuất để góp thêm vào nguồn vốn trên 225 triệu đồng. Đến nay, đã có 40 đồng chí trong lực lượng dân quân và dự bị động viên vay từ 20 - 30 triệu đồng. “Đối với mô hình tặng sổ tiết kiệm cho thanh niên trước khi nhập ngũ, được Đảng ủy - Ban CHQS huyện tham mưu Huyện ủy, UBND huyện và Hội đồng Nghĩa vụ quân sự chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện từ năm 2018, đến nay, có gần 400 thanh niên được tặng sổ tiết kiệm (từ 5 - 10 triệu đồng) với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng”, Trung tá Hồ Văn Giàu cho biết thêm.

Việc làm ổn định tại địa phương

Nếu như trước đây, phần lớn anh em dân quân và dự bị động viên thường đi làm ăn xa nên việc tập trung huấn luyện hay thực hiện nhiệm vụ đột xuất gặp nhiều khó khăn, thì nay với việc làm và mức thu nhập ổn định đã giúp giữ chân 2 lực lượng này tại địa phương. Đơn cử có thể kể đến mô hình Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp của xã Hòa Thành, huyện Lai Vung. Gần 40 thành viên trong tổ đều là bộ đội xuất ngũ và lực lượng dân quân của xã. Sau khi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây kiểng, tổ sẽ nhận hợp đồng sửa kiểng tại địa phương với việc làm thường xuyên, mức thu nhập bình quân hàng tháng trên 6 triệu đồng/người.

Anh Đặng Bá Trung - quân nhân dự bị xã Hòa Thành, huyện Lai Vung tâm sự: “So với đi làm công nhân ở các đô thị lớn, xa nhà, mức chi phí cho sinh hoạt tương đối cao, còn với công việc sửa kiểng ổn định tại địa phương, anh em có thể vừa đi làm vừa chăm sóc cho gia đình, đây là điều mà ai cũng mong muốn”. Còn anh Nguyễn Tấn Hữu - dân quân xã Hòa Thành, huyện Lai Vung cho biết: “Ngoài công việc thường xuyên tại Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp của xã, tôi còn tranh thủ chăm sóc vườn kiểng của gia đình. Thu nhập hàng tháng cũng khá mà công việc cũng không mấy vất vả”.

Mặc dù mới chỉ đi vào hoạt động hơn 3 tháng, nhưng hiệu quả mà mô hình Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp của xã Hòa Thành, huyện Lai Vung mang lại hết sức khả quan. Là người đưa ra chủ trương thành lập Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, tại địa phương, đồng chí Võ Hoàng Cương - Bí thư Huyện ủy Lai Vung tâm đắc: “Mô hình này không chỉ tạo công ăn việc làm cho anh em dân quân và dự bị động viên, mà còn giải quyết được nhu cầu lao động tại địa phương. Mặt khác, hàng năm, khi có lệnh gọi tập trung huấn luyện hoặc thực hiện nhiệm vụ đột xuất địa phương đều đảm bảo chỉ tiêu quân số. Huyện ủy Lai Vung đã chỉ đạo từ đây đến cuối tháng 9/2022 sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn huyện”.

TRÚC MAI

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn