Phòng ngừa thực trạng trẻ em vi phạm pháp luật

Cập nhật ngày: 16/10/2021 06:37:14

ĐTO - Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng các sở, ngành, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố đã triển khai các giải pháp, mô hình kết nối can thiệp hỗ trợ khẩn cấp trẻ em (TE) bị bạo lực, xâm hại, nguy cơ vi phạm pháp luật, TE có nguy cơ nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn góp phần giảm thiểu tình trạng TE vi phạm pháp luật.


Học sinh tham gia hoạt động truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em (ảnh tư liệu)

Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu ban hành và hướng dẫn thực hiện các kế hoạch Chương trình hành động Quốc gia vì TE; kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu TE lao động trái quy định của pháp luật tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025... Đến tháng 10/2021, toàn tỉnh đã tổ chức 11 lớp tập huấn kiến thức về tai nạn thương tích, lao động TE cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, cộng tác viên, giáo viên, thu hút hơn 300 lượt người tham dự với nhiều nội dung và hình thức khác nhau. Đồng thời thực hiện giám sát các hoạt động liên quan đến TE do các huyện, thành phố tổ chức với 12 lớp tập huấn (mỗi huyện tổ chức 1 lớp) cho 300 người thuộc đối tượng cha mẹ, người nuôi dưỡng chăm sóc TE từ 0-8 tuổi các kiến thức, kỹ năng đề phòng nguy cơ tai nạn thương tích TE và phòng, tránh xâm hại tình dục TE. Hỗ trợ, duy trì hiệu quả hoạt động Ban Điều hành bảo vệ TE và Nhóm công tác liên ngành cấp tỉnh; Ban Điều hành bảo vệ TE 12/12 huyện, thị, thành phố và hoạt động của 143 Ban bảo vệ TE xã, phường, thị trấn. Phát huy dịch vụ kết nối can thiệp hỗ trợ khẩn cấp TE bị bạo lực, xâm hại, nguy cơ vi phạm pháp luật, trẻ bị xao nhãng, trẻ có nguy cơ nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn... Đến nay có hơn 200 TE được tư vấn, kết nối, hỗ trợ kịp thời tại cộng đồng, trong đó có 87 TE bị xao nhãng có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được lập hồ sơ quản lý hỗ trợ đột xuất từ nguồn kinh phí Unicef...

Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh cùng các sở, ngành đã phối hợp nắm các thông tin liên quan, hỗ trợ các trường hợp nguy cơ. Toàn tỉnh xảy ra 33 vụ liên quan đến người chưa thành niên vi phạm pháp luật (tăng 4 vụ) có 49 em vi phạm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 4 TE. Phòng ngừa nguy cơ TE bị xâm hại tình dục và người chưa thành niên vi phạm pháp luật, Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố duy trì hoạt động các Dự án hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2016 tại 33 xã, phường thuộc huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Qua đó, đã phát hiện, lập hồ sơ và can thiệp 24 trường hợp gồm: 6 trường hợp vi phạm và 18 trường hợp nguy cơ. Trong 24 trường hợp quản lý có 10 trường hợp tiến triển tốt, 14 trường hợp tiến triển chậm, rời khỏi địa phương... Tại huyện Cao Lãnh, Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức, phối hợp cùng với các ngành, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp triển khai các chương trình, dự án liên quan đến TE. Trong đó có các hoạt động tổ chức nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực và xâm hại TE; phòng, tránh tai nạn thương tích, kịp thời tham gia giải quyết các vụ việc có liên quan đến phụ nữ và TE. Tổ chức truyền thông kiến thức kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục và phòng, chống ma túy cho đối tượng trẻ vị thành niên... Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp tổ chức hội thảo nhóm phụ nữ về thực trạng và giải pháp phòng ngừa xâm hại tình dục ở TE, trẻ vị thành niên. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ giáo dục, quản lý con em trong gia đình chấp hành tốt luật ATGT, không vướng vào tệ nạn xã hội, tội phạm...

Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh, các sở, ngành tập trung các giải pháp giảm thiểu các trường hợp TE vi phạm pháp luật. Tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo vệ TE các huyện, thành phố, các hoạt động can thiệp, hỗ trợ TE cần sự giúp đặc biệt. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động Phòng Công tác Xã hội và Phát triển Cộng đồng thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp, Văn phòng Tư vấn bảo vệ trẻ em huyện Cao Lãnh, huyện Lấp Vò và TP Hồng Ngự. Thực hiện kiểm tra, giám sát hỗ trợ kỹ thuật mô hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh... Triển khai thực hiện các dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em” tại 8 xã thuộc huyện Tháp Mười, TP Sa Đéc; dự án “Hỗ trợ, triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em” tại 15 xã thuộc 4 huyện Châu Thành, Lấp Vò, Lai Vung và Tam Nông... Chủ trì công tác phòng, chống tội phạm mua bán TE vì mục đích bóc lột sức lao động, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật về sử dụng lao động TE. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho TE bị bóc lột sức lao động...

H.An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn