Tháp Mười

Quản lý chặt hoạt động mua bán trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Cập nhật ngày: 02/08/2021 15:00:00

ĐTO - Đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện, ngày 29/7, UBND huyện Tháp Mười yêu cầu tất cả các chợ truyền thống (trừ chợ mới, chợ cũ Tháp Mười và chợ cá đồng Trường Xuân; chợ Trường Xuân đã dừng hoạt động chờ thông báo mới), điểm mua bán, hộ kinh doanh và các cửa hàng tiện lợi Siêu thị Bách hóa xanh không được mở cửa phục vụ khách hàng từ 18 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Đề nghị người dân không ra đường sau 18 giờ hàng ngày, trừ các trường hợp cấp cứu, công vụ...


Chợ Tháp Mười tạm dừng hoạt động từ ngày 29/7, chờ thông báo mới

UBND huyện Tháp Mười cũng đã có thông báo đến người dân bình tĩnh, yên tâm không đổ xô đi mua hàng dự trữ, tránh tình trạng tập trung đông người lây lan dịch bệnh. Theo đó, UBND huyện và các ngành sẽ đảm bảo các biện pháp cung ứng hàng hóa cho người dân, đồng thời giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân; triển khai hướng dẫn việc phân luồng lối đi, bố trí, sắp xếp tại các chợ, điểm mua bán..., bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đồng thời yêu cầu các tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện thông báo trên Đài truyền thanh huyện, xã và các phương tiện thông tin đại chúng để các hộ kinh doanh, các cửa hàng tiện lợi Siêu thị Bách hóa xanh và người dân biết thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo UBND huyện, đến ngày 30/7, UBND các xã, thị trấn tiếp tục duy trì các chốt vào chợ, kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra y tế (do thân nhiệt, thực hiện 5K), phân luồng, hướng dẫn người đi chợ tránh tập trung đông người trong khu vực chợ, sắp xếp người dân đi chợ theo hướng một chiều; bố trí bảng quy định khi vào chợ, cấp thẻ đi chợ ngày chẵn, lẻ, phân giờ đi chợ, đeo khẩu trang trong suốt thời gian họp chợ...; đối với các trường hợp tiểu thương, người dân không chấp hành việc đeo khẩu trang, không rửa tay sát khuẩn thì kiên quyết không cho vào chợ và xử lý theo quy định; kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm các trường hợp buôn bán không đúng quy định. Các chợ đều sắp xếp các gian hàng mua bán giãn cách tối thiểu 2m, có giăng dây cách ly giữa người mua và người bán. Mỗi chợ có bố trí hệ thống loa thông báo nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi vào chợ, hướng dẫn lối đi, thường xuyên tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Lãnh đạo UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra đối với hoạt động các chợ, điểm mua bán, hộ kinh doanh, Cửa hàng tiện lợi Siêu thị Bách hóa xanh trên địa bàn quản lý. Đồng thời kiên quyết xử phạt các trường hợp không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và việc thực hiện chưa nghiêm theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.


Người dân đặt hàng online và được giao đến tận nhà

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đảm bảo cho các hoạt động mua, bán của người dân giảm bớt khó khăn, lãnh đạo UBND huyện Tháp Mười, các phòng chuyên môn thực hiện việc khảo sát, đánh giá nhu cầu phân phối và tiêu thụ của người dân để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, người dân huyện Tháp Mười đã kết nối mua hàng với các “Gian hàng 0 đồng” của các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp thực hiện, kết hợp hình thức mua hàng online. Ông Lê Văn Thanh ngụ Khóm 2, thị trấn Mỹ An cho biết: “Trong tuần thì ở khóm có phát phiếu đi chợ vào các ngày thứ 3,5,7, nhưng đến ngày 29/7, chợ Tháp Mười nghỉ bán lúc 11 giờ, gia đình tôi cũng biết nên chuyển sang đặt đồ online, rau, thịt, cá, ếch, tôm..., hàng hóa không thiếu, nhưng giá có tăng từ 5.000 đồng – 20.000 đồng/kg (tùy loại hàng mua) so với trước đây vì giao hàng tận nơi. Người mua chuẩn bị sẵn tiền, để trước cửa, người bán tới nhận, để hàng đó rồi đi, giờ dịch bệnh phức tạp, nên hạn chế tiếp xúc càng tốt...”.

Một số tiểu thương sau khi chợ dừng hoạt động đã chuyển sang hình thức bán hàng online trong nội ô, hoặc chủ động tìm người giao hàng đã tiêm vắc-xin, đủ điều kiện đi lại giao đến nhà cho người mua. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang ngụ tại xã Mỹ An cho biết: “Tôi được tiêm vắc-xin rồi và đã test Covid-19 nên mỗi ngày người dân xung quanh có đi giao, nhận hàng gì tôi cũng hỗ trợ để người dân hạn chế đi lại, có hàng hóa, thực phẩm dùng trong những ngày cách ly xã hội...”. Trong tháng 7/2021, các tiểu thương tại các chợ trong địa bàn huyện Tháp Mười đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, hoạt động ra vào chợ được kiểm soát chặt chẽ theo hướng dẫn, lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt đảm bảo trực 24/24. Các đối tượng là tài xế vận chuyển hàng hóa thiết yếu đã được tiêm ngừa vắc-xin, nếu đủ các điều kiện theo quy định sẽ được lưu thông để vận chuyển hàng hóa theo quy định.

Lê Thanh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn