Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”

Cập nhật ngày: 30/09/2022 09:56:24

ĐTO - Năm 2019, Đồng Tháp triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” tại xã Mỹ Tân (TP Cao Lãnh), xã Tân Khánh Đông (TP Sa Đéc) và phường An Bình A (TP Hồng Ngự). Đến nay, toàn tỉnh có 127/143 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện mô hình này. Phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Duy Khương - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về hiệu quả của mô hình.


Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Huỳnh Duy Khương phát biểu trong buổi khảo sát triển khai mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” tại TP Sa Đéc

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, qua thời gian triển khai, mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” đã mang lại những hiệu quả gì?

Ông Huỳnh Duy Khương (H.D.K.): Mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” được triển khai thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình; hỗ trợ vốn vay để người cai nghiện sản xuất, kinh doanh tái hòa nhập cộng đồng. Qua hơn 3 năm triển khai tại 127/143 xã, phường, thị trấn, mô hình đã tác động giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy; vai trò của gia đình được phát huy tốt hơn, tích cực phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc quản lý, giáo dục con em là đối tượng nghiện. Đồng thời, toàn tỉnh giúp đỡ có chuyển biến tốt 847 đối tượng nghiện; giới thiệu việc làm cho 109 đối tượng; xét cho 37 đối tượng sau cai nghiện được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng với số tiền 1,3 tỷ đồng, góp phần giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện mô hình có những khó khăn gì hay không, thưa ông?

Ông H.D.K.: Khó khăn hiện nay là trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở công lập, ngoài công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Do đó, giai đoạn tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy; điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác cho người nghiện ma túy gặp khó khăn. Trạm y tế các xã, phường, thị trấn chưa bố trí được nơi cắt cơn, lưu bệnh; số y, bác sĩ được tập huấn chưa nhiều và chưa có kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, cắt cơn, giải độc cho người nghiện cai nghiện tại cộng đồng. Các điểm xác định tình trạng nghiện ma túy do Sở Y tế bố trí chưa bao phủ trên địa bàn huyện, thành phố. Việc tiếp xúc đối tượng gặp nhiều khó khăn do đối tượng thường né tránh, ngại tiếp xúc khi được cảm hóa, giáo dục để đào tạo nghề, giới thiệu việc làm...

PV: Tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”, Sở LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan sẽ triển khai những giải pháp gì trong thời gian tới?

Ông H.D.K.: Trong tháng 9/2022, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp Công an tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố tổ chức khảo sát tình hình triển khai mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” tại các địa phương. Từ đó, đánh giá tổng quát thực trạng, những ưu điểm và vướng mắc trong thực hiện mô hình và xác định mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới.

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”, kết hợp với tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú theo Luật phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 105/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống ma túy. Đồng thời đề nghị Sở Y tế hướng dẫn trình tự, thủ tục, xác định tình trạng nghiện ma túy; bố trí bao phủ các điểm xác định tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn huyện, thành phố; chỉ đạo cán bộ y tế tuyến xã, phường, thị trấn phối hợp lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định. Bên cạnh đó, phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với công chức, viên chức, người kiêm nhiệm làm công tác lập hồ sơ, đưa đối tượng người nghiện ma túy và tham gia quản lý người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng..., góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

LÊ THANH (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn