Vườn cò Mỹ An: Ngày ấy... bây giờ

Cập nhật ngày: 09/11/2012 13:26:30

Trước kia, nhiều người khi đến huyện Tháp Mười cũng muốn một lần tìm đến vườn cò ở xã Mỹ An để hòa mình cùng thiên nhiên với vô số chim cò. Trải qua thời gian, hiện nay vườn cò Mỹ An đã ít nhiều đổi thay... nhưng nhiều người vẫn còn nặng lòng với việc lưu giữ vườn cò.


Những ổ cò con trong vườn cò của ông Hai Trưởng

Vườn cò xưa

Vườn cò Mỹ An (theo cách gọi của nhiều người) tọa lạc tại ấp Mỹ Thị A, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười. Chủ nhân của vườn cò là ông Mai Văn Trưởng (ông Hai Trưởng hay ông Hai vườn cò) năm nay đã 72 tuổi.

Dù vườn cò cách nhà khoảng 50m nhưng ngồi trong nhà ông Hai Trưởng vẫn nghe rõ tiếng cò kêu oang oác, oàng oạc... xôn xao, nhộn nhịp. Tiếng cò kêu râm ran làm tâm trạng của bất cứ ai đến vườn cò của ông Hai Trưởng đều thấy nao nao trong lòng. Ông Hai Trưởng kể: “Nhà tôi có hơn 10 công đất, trong đó phía sau vườn và xung quanh bờ bao ruộng có trồng dừa, trâm bầu, tre,... năm 1983 tự nhiên cò ở đâu kéo về sau vườn nhà tôi và các vườn nhà hàng xóm đậu trắng các cây”.

Theo lời ông Hai Trưởng, lúc cò mới về ở, tính luôn các khu vườn của các nhà lân cận thì nơi “tá túc” của chúng có diện tích khoảng 3ha. Nhưng một thời gian chúng không ở các khu vườn nhà lân cận mà tụ họp về khu vườn nhà ông. Đa số là loại cò trắng và cồng cộc. “Thời đó, cò nhiều lắm. Cò từ trong vườn nhà tôi bay đi kiếm ăn trắng cả góc trời. Người ta có thể giương giàn thun ra bắn lên trời một phát là cò rớt xuống như chơi”, ông Hai Trưởng nói.

Lúc đầu gia đình ông Hai Trưởng cảm thấy phiền phức với “lũ cò” vì tiếng kêu ồn ào của chúng nhưng dần dần quen và đâm ra thích tiếng kêu của chúng lúc nào không hay. “Lũ cò này lạ lắm. Ban ngày chúng kêu la chứ đến 7 giờ tối là bọn chúng lại im phăng phắt cho mình ngủ. Hễ nghe hơi người lạ vào là nó bay tới bay lui loạn xạ nhưng người trong nhà ra vườn lại bình thường”, ông Hai Trưởng kể thêm.

Thấy vườn nhà ông Hai Hưởng cò đến ở đông đúc lạ thường, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nhiều. Ông cho vào tự nhiên, khách đừng phá phách đàn cò là được. Tuy nhiên, vườn cò của ông cũng rất nhiều lần đối mặt với những kẻ săn cò trộm. Bị ông và những người thân trong gia đình xua đuổi, họ bực tức và bảo với ông rằng: “Chim trời cá nước, ai bắt được thì ăn sao ông lại không cho bắt”, ông Hai Trưởng chỉ cười rồi mời họ ra khỏi vườn.

Thưa vắng những cánh cò

Ngồi trầm ngâm bên tách trà, ông Hai Trưởng mặt buồn xo tâm sự: “Giờ người ta bắt cò nhiều quá nên vườn cò nhà tôi ít cò hơn trước nhiều lắm. Hằng ngày tôi ra vườn ước chỉ còn lại số lượng cò khoảng 40% so với trước thôi. Cồng cộc lúc trước nhiều lắm, giờ kiếm 1 con cũng không thấy”.

Hiện nay, cò trong vườn vẫn còn nhiều nhưng ông Hai Trưởng kể so với trước cò chẳng là bao. Chỉ về phía chú cò trắng đang đậu trên rặng trâm bầu, ông Hai Trưởng nói: “Loài cò này nó hay lắm. Nó thương con và biết tổ chức lắm. Buổi chiều khi kiếm ăn trở về vườn có một con trong bầy đáp xuống quan sát trước nếu thấy an toàn nó mới báo hiệu cho các con khác đáp theo”.

Hỏi về việc lưu giữ vườn cò cho con cháu mai sau, ông Hai Trưởng nhất quyết khẳng định: “Năm nay tôi 72 tuổi rồi nhưng còn sức khỏe là tôi còn giữ cò và giữ đàn cò”.

Nhiều người ngõ ý hỏi ông mua lại vườn cò để đầu tư du lịch, nhưng ông lắc đầu vì vườn cò không chỉ là đất của tổ tiên ông bà của ông để lại ông phải giữ gìn nó, đó còn là giá trị tinh thần của gia đình và quê hương ông.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn