Xây dựng hình ảnh chợ văn minh là rất cần thiết

Cập nhật ngày: 01/07/2013 05:55:06

Đáp ứng 20 tiêu chí của bộ tiêu chí chợ văn minh, chợ Cao Lãnh (tọa lạc phường 2, thành phố Cao Lãnh) vừa được UBND tỉnh công nhận chợ văn minh năm 2012. Theo Ban quản lý (BQL) chợ, để đạt được kết quả như trên, điều quan trọng là cần tuyên truyền sâu rộng để tiểu thương hiểu và cùng đồng hành xây dựng.


Gian hàng hoa chợ Cao Lãnh

Chợ Cao Lãnh có diện tích mặt bằng trên 46.000m2, thu hút hơn 1.500 hộ tiểu thương tham gia hoạt động kinh doanh với trên 40 ngành hàng. Năm qua, tập thể đơn vị thực hiện tốt quy chế tổ chức hoạt động của Ban quản lý chợ, quy chế dân chủ cơ sở, luôn lịch sự hòa nhã với tiểu thương, khách hàng. BQL chợ duy trì các cuộc họp hàng tháng giữa đơn vị và tổ trưởng, tổ phó ngành hàng, lồng ghép tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, niêm yết giá, kinh doanh đúng ngành hàng khu vực quy hoạch cho tiểu thương. Đồng thời, BQL chợ không để xảy ra hiện tượng tiểu thương lôi kéo khách hàng, kịp thời xử lý các trường hợp gian lận trong cân, đo đối với tiểu thương nhằm tạo uy tín trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tiêu chí sạch đẹp là một trong các tiêu chí xây dựng chợ văn minh được BQL chợ quan tâm và đề ra một số giải pháp trong việc khắc phục. BQL chợ đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Cấp nước và Môi trường đô thị số 2 thu gom rác trong ngày và mỗi đêm nhằm đảm bảo cho khuôn viên chợ được vệ sinh.

Từng bước đưa hoạt động chợ đi vào nề nếp, ổn định, an toàn, BQL chợ đã mở nhiều đợt lập lại tình hình bày trí chợ, chấn chỉnh các trường hợp lấn chiếm lối đi, lòng lề đường, lối thoát hiểm, tình hình trộm cắp, móc túi... Đặc biệt, BQL chợ rất chú trọng mua sắm các trang thiết bị, tập huấn công tác phòng chaý chữa cháy để ứng phó với tình huống xấu xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Minh Lập - Phó trưởng BQL chợ Cao Lãnh cho biết: “Đạt được những kết quả trên là nhờ công tác tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm lâu, khi đạt được tiêu chí trên sẽ tạo thuận lợi cho việc kinh doanh của tiểu thương nên họ thấu hiểu và chung tay thực hiện”.

Theo bà Lập, khi xây dựng chợ văn minh, đã gặp phải một số khó khăn nhất định trong cách chấm điểm tiêu chí so với thực tế vì nếu không đạt sẽ bị trừ hết điểm. Hiện nay, khó khăn nhất cho BQL chợ là việc chưa bố trí được các ngành hàng khoa học, hợp lý. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng mua bán hàng rong. Cô Nguyễn Thị Nguân - tiểu thương bán rau củ tại chợ cho hay: “Những người mua bán hàng rong vừa làm mất mỹ quan, vừa gây cản trở lưu thông mà còn khiến các gian hàng bị vắng khách, trong khi chúng tôi phải chi trả nhiều loại chi phí”. Cũng vì yếu tố này mà chợ trái cây lúc nào cũng vắng người mua vì khách hàng thường có tâm lý thích chọn mua của người bán hàng rong cho thuận tiện.

Mặc dù trong thời gian qua, BQL chợ đã đẩy mạnh phối hợp với Công an phường 2 để ngăn chặn, nhưng tình trạng bán hàng rong vẫn không giảm bớt. Hiện nay, diện tích chợ không còn nhiều để bố trí cho họ và bản thân người bán hàng rong cũng không chịu vào chợ kinh doanh. Vì vậy, BQL chợ cần có những biện pháp hài hòa, hiệu quả hơn để hạn chế và không còn tái diễn việc rượt đuổi, canh nhau giữa BQL chợ và những người bán hàng rong, nhằm xây dựng hình ảnh chợ văn minh hoàn thiện hơn.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn