Chuyện về các nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày

Cập nhật ngày: 02/05/2015 06:13:58

Toàn tỉnh có trên 800 nữ chiến sĩ cách mạng (NCSCM) bị địch bắt, tù đày. Trong tù các NCSCM phải chịu nhiều đòn tra tấn, khủng bố dã man... kể cả những phụ nữ đang mang thai, có nữ chiến sĩ phải sinh con và nuôi con lớn lên trong chốn lao tù. Song, tinh thần và nhuệ khí của người Cộng sản luôn được giữ vững và phát huy. Lúc bình thường, NCSCM bị địch bắt tù đày là những người phụ nữ Việt Nam cần cù, thông minh, sáng tạo, hiền lành. Nhưng khi đất nước lâm nguy, ở trong chốn lao tù, NCSCM là những người phụ nữ kiên cường, bất khuất, biến nhà tù của địch trở thành trường học cách mạng và bồi dưỡng ý chí đấu tranh giành độc lập.

Cô Tư Hạnh (người ngồi bên trái) và cô Tám Mai (ngồi giữa) tại buổi họp mặt do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tố chức vào ngày 24/4/2015

Điển hình như: NCSCM từng bị địch bắt tù đày Tống Thanh Mai, ngụ TP.Sa Đéc (thường gọi là cô Tám Mai). Tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, sau đó cô bị địch bắt trong lúc đang làm nhiệm vụ và lúc này cô Tám Mai đang mang thai đứa con đầu lòng được 2 tháng. Cô Tám Mai đã sinh và nuôi con trong lao tù. Cô Tám Mai cho biết, khi biết cô mang thai, bọn chúng cố ý lợi dụng bào thai để buộc cô khai báo. Nhưng lúc đó cô nhất quyết không khai. Có mẹ nào mà không thương con, lại là đứa con đầu lòng. Đối với người phụ nữ lần đầu tiên được làm mẹ thì hạnh phúc nào bằng. Nhưng cô Tám Mai nghĩ rằng, nếu chẳng may con mình không còn thì chỉ là nỗi đau của cá nhân mình thôi, nhưng nếu cô khai báo thì đồng chí mình phải hy sinh, thiệt hại lớn cho tổ chức và nếu ai cũng khai báo thì đến bao giờ đất nước mới hòa bình. Chính vì vậy, cô đã cắn răng chịu đựng chứ một mực không khai báo dù cô bị đưa đi hết nhà lao này đến nhà lao khác (Cái Bè, Sa Đéc, Vĩnh Long...) và chịu nhiều cực hình, mà cũng lạ một điều là chúng dùng điện giật cô chết đi sống lại đến mấy lần mà đứa con trong bụng vẫn không có bất trắc gì.

Hay NCSCM từng bị bắt tù đày Nguyễn Thị Hạnh, ngụ TP.Cao Lãnh (thường gọi là cô Tư Hạnh) từng bị địch bắt giam cầm và chịu những đòn tra tấn dã man ở trại giam Cây Khế - Mỹ Tho và khi bị bắt trên người cô bị trúng 3 phát đạn M79. Trong kháng chiến, cô Tư Hạnh đã có nhiều cống hiến, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cô tiếp tục tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và giữ nhiều chức vụ quan trọng của cơ quan Đảng của tỉnh. Hiện cô Tư Hạnh là thương binh nhưng đã dùng tiền trợ cấp hàng tháng của mình để hỗ trợ các học sinh nghèo và các hoạt động an sinh xã hội. Còn cô Tám Mai, sau khi nghỉ hưu, cô tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội, nhất là vận động xây dựng cầu nông thôn. Từ năm 2007 đến nay, cô Tám Mai đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương ủng hộ trên 3 tỷ đồng để xây dựng gần 20 cây cầu nông thôn, trong đó cá nhân cô cũng đóng góp trên 200 triệu đồng. Hiện cô là Chủ tịch Hội Khoa học cầu đường của TP.Sa Đéc.

Lúc bị địch bắt tù đày, các NCSCM quyết tâm vượt qua khó khăn để trở thành những chiến sĩ kiên trung. Sau khi ra tù, họ lại tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Các NCSCM bị bắt tù đày nói chung và đất Sen hồng nói riêng xứng đáng với 8 chữ vàng mà Đảng, Bác Hồ trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, xứng đáng là những tấm gương sáng không chỉ cho phụ nữ mà mọi người noi theo. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, phẩm chất người lính cụ Hồ lại chứng tỏ thêm một lần nữa khi các nữ chiến sĩ cách mạng năm xưa đã tích cực tham gia lao động sản xuất, nâng cao đời sống gia đình và phát triển quê hương đất nước.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn