Thăm lại căn cứ Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định xưa

Cập nhật ngày: 29/04/2015 17:04:25

Hướng về cội nguồn để ôn lại lịch sử hào hùng của các thế hệ trước, chúng tôi trở lại xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh). Đây là một trong những khu căn cứ cách mạng của Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành đoàn TP.HCM) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Phóng viên Báo Đồng Tháp trò chuyện với bà Đê

Hơn 40 năm trước, nhờ sự che chở của những người dân xã Bình Thạnh nói chung và ấp Bình Mỹ A nói riêng đã giúp lực lượng cách mạng được an toàn, phát triển lực lượng, tiếp sức cho các phong trào đấu tranh đi đến thắng lợi cuối cùng. Được biết, cuối năm 1968, nhằm củng cố lực lượng, tránh sự càn quét của giặc, một số cán bộ chủ chốt của Thành đoàn TP.HCM đã bí mật về lập căn cứ và hoạt động cách mạng tại xã Bình Thạnh. Để tránh bị địch phát hiện, cán bộ Thành đoàn không sử dụng một địa điểm cụ thể làm căn cứ chính mà sử dụng nhà ở của nhiều người dân địa phương làm nơi hoạt động. Bình Thạnh cũng là nơi đồng chí Trang Văn Học (nguyên Bí thư Thành đoàn TP.HCM) đến hoạt động và anh dũng hy sinh trong một cuộc hành quân càn quét của giặc vào cuối tháng 6/1970. Năm 1971, để bảo toàn lực lượng trước sự càn quét và chiến dịch bình định của Mỹ, các cán bộ của Thành đoàn TP.HCM đã di chuyển về nơi khác tiếp tục hoạt động đến ngày giành thắng lợi.

Đến gia đình ông Nguyễn Văn Phàn (Bí danh 7 Phàn) ở ấp Bình Mỹ A, xã Bình Thạnh. Qua trao đổi, người thân trong gia đình ông Phàn cho biết: “Ông Nguyễn Văn Phàn sinh năm 1912. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông và một số thành viên của gia đình làm giao liên giúp các lực lượng cách mạng liên lạc thông tin; mua hàng hóa cấp thiết, thuốc men cho cán bộ, chiến sĩ; cho Tổng đoàn Thanh niên - Học sinh - Sinh viên sử dụng căn nhà của ông làm căn cứ để làm văn phòng làm việc của đơn vị; hỗ trợ, đưa rước, nuôi giấu, bảo vệ, giúp đỡ cán bộ Thành đoàn TP.HCM”. Dù từng bị bắt 2 lần nhưng ông Nguyễn Văn Phàn vẫn quyết tâm giúp đỡ về tài lực, vật lực cho lực lượng cách mạng hoạt động ở khu vực xã Bình Thạnh. Với những đóng góp đó, ông Nguyễn Văn Phàn được tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất, Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ. Đặc biệt, năm 1986, Thành đoàn TP.HCM đã hỗ trợ xây dựng căn nhà tình nghĩa cho gia đình ông Phàn.

Nhà ông Trần Hữu Thi ở ấp Bình Mỹ A, xã Bình Thạnh cũng là một trong những nơi cán bộ Thành đoàn TP.HCM sử dụng làm căn cứ hoạt động. Được biết, ông Trần Hữu Thi đã đóng góp lâu dài cho cách mạng với 40 năm tuổi Đảng, năm 1993 ông Trần Hữu Thi qua đời. Hiện tại, bà Võ Thị Đê (83 tuổi, vợ ông Thi) đang sống chung với người con gái là chị Trần Thị Trúc Vân. Khi được hỏi, bà Đê đã kể nhiều câu chuyện khác nhau, có lúc quên lúc nhớ về việc gia đình đã tham gia che chở, nuôi giấu nhiều người trong thời kỳ chống Mỹ, trong đó có cán bộ Thành đoàn TP.HCM, thậm chí chồng bà là ông Thi từng bị bắt tù đày. Với những đóng góp cho cách mạng, cá nhân ông Trần Hữu Thi và bà Võ Thị Đê đều vinh dự nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Hàng tháng, gia đình bà Đê được nhận trợ cấp theo quy định. Ngoài ra, vào dịp lễ, Tết, Thành đoàn TP.HCM cử đại điện đến thăm hỏi, tặng quà nhằm tri ân các gia đình đã có công nuôi dưỡng, che chở cán bộ Thành đoàn năm xưa, trong đó có gia đình bà Đê và ông Phàn.

Hiện tại, nhiều gia đình đã tham gia giúp đỡ căn cứ cách mạng Thành đoàn TP.HCM ở xã Bình Thạnh từng bước vươn lên có cuộc sống ổn định. Đồng thời luôn nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, sống và lao động tích cực tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình. Chính tinh thần quyết tâm và sự phấn đấu của người dân nơi đây đã giúp xã Bình Thạnh vượt qua những ngày đầu khó khăn sau giải phóng và vươn lên phát triển, trở thành xã Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

N.Nguyễn-T.Đạt

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn