Khơi dậy mạnh mẽ ý chí, niềm tin và khát vọng của người dân

Cập nhật ngày: 24/01/2023 06:03:13

ĐTO - Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, đề án trọng điểm trên địa bàn. Trong đó, người dân được tham gia theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã làm thay đổi diện mạo quê hương, nhất là vùng nông thôn. Đặc biệt là khơi dậy mạnh mẽ ý chí, niềm tin và khát vọng của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong (thứ 2 từ trái sang) thăm mô hình khởi nghiệp sản xuất rau thủy canh của anh Võ Thanh Beo ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh

Đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng

Năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận đến năm 2025 (viết tắt Nghị quyết số 01), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTT) và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh có nhiều đổi mới, sáng tạo trong nội dung, phương thức hoạt động, với phương châm tập trung hướng về cơ sở, lấy địa bàn dân cư làm mặt trận tác chiến trực tiếp mà chủ thể chính là đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Trong đó, có sự đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động ứng dụng công nghệ thông tin thông qua nhóm Zalo, Facebook, Fanpage, Website của đơn vị để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng quan tâm đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội thông qua các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư như: Hội quán, Tổ nhân dân tự quản; không ngừng mở rộng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là các tổ chức tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Tính đến nay, cả tỉnh đã tập hợp phát triển gần 618.000 đoàn viên, có 12.423 “Tổ nhân dân tự quản” với hơn 450.400 hộ thành viên, có 21 “Tổ tự quản đường biên mốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới” với 432 thành viên, có 126 “Hội quán” với hơn 6.900 thành viên tham gia; ra mắt 6 “Không gian đại đoàn kết” trên địa bàn TP Cao Lãnh.

Đặc biệt, MTTQ và các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền cùng cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và địa phương thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch... phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Chính việc công khai, minh bạch những nội dung dân biết, dân bàn, dân tham gia góp ý tạo được sự đồng thuận cao, nên người dân tích cực tham gia; chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh... là các điển hình, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Đất Sen hồng - Đồng Tháp.


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phan Văn Thắng (thứ 4 từ trái sang) cùng lãnh đạo TP Sa Đéc chụp ảnh lưu niệm tại lễ ra mắt Không gian Đại đoàn kết phường An Hòa

Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

Huyện Cao Lãnh là một trong những địa phương đạt nhiều kết quả nổi bật qua 1 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 01. Nổi bật, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mới, điển hình tiên tiến; tổ chức thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu do MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đăng ký liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng chí Nguyễn Văn Đức - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cao Lãnh cho biết, nhiều công trình được xây dựng, làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn; nhiều con đường có hàng rào cổng ngõ khang trang, tạo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp có sự tham gia đóng góp ý kiến, đóng góp về tài lực, vật lực, nhân lực của người dân địa phương. Chẳng hạn, trong thời gian gần đây, huyện Cao Lãnh đã huy động người dân đóng góp gần 188 tỷ đồng để xây dựng mới 196 cây cầu bê tông, thi công 24km công trình “Thắp sáng đường quê”... góp phần tạo thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa và đi lại cho người dân trong và ngoài địa phương.


Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các Tổ Nhân dân tự quản tiêu biểu trên địa bàn tỉnh

Theo đồng chí Lê Thành Công - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, qua 1 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 01 cho thấy nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên đối với công tác dân vận đầy đủ hơn; xem công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhất quán quan điểm công tác dân vận là “Đi trước mở đường”. Thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo công tác dân vận phù hợp với tình hình mới, nhất là tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Qua đó, khơi dậy mạnh mẽ ý chí, niềm tin và khát vọng làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Việc đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” đã phát huy được quyền làm chủ, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của người dân, quy tụ và thu hút sự đồng thuận trong thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội. Từ những kết quả đạt được trong điều kiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt như hiện nay, tin tưởng người dân sẽ đón Xuân trong không khí vui tươi, hạnh phúc.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn