Quét sạch chủ nghĩa cá nhân

Cập nhật ngày: 10/11/2021 10:51:29

http://baodongthap.com.vn/database/video/20211110105159dt2-1.mp3

Trước khi bàn về quét sạch chủ nghĩa cá nhân, cần thiết nói đôi điều về các khái niệm “cá nhân” và “chủ nghĩa cá nhân”. Truy nguyên Hán ngữ cổ thì từ ghép chính phụ “cá nhân” gồm 2 thành tố: cá - riêng (phụ) và nhân- người (chính) với nghĩa chung: một người riêng biệt (so với những người riêng biệt xung quanh). Như vậy, “cá nhân” là từ nhằm chỉ từng con người cụ thể, riêng biệt (với các đặc trưng mà người khác không có). Nhiều “cá nhân” sẽ làm nên cộng đồng, xã hội. Vai trò, vị trí của “cá nhân” là không thể không tồn tại trong cộng đồng, xã hội. Cái riêng của “cá nhân” cần được bảo vệ, tôn trọng, đề cao một cách hài hòa, biện chứng như là một quy luật tất yếu của tạo hóa. Có những cá nhân giữ vai trò quyết định đối với lịch sử, đối với vận mệnh của cả một tập thể, cộng đồng, quốc gia, dân tộc, nhưng cá nhân đó luôn đứng trong tập thể, cộng đồng, quốc gia, dân tộc để suy nghĩ và hành động vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, khi “cá nhân” bị đẩy đến cực đoan, lập tức trở thành “chủ nghĩa cá nhân. Và đó là một thứ chủ nghĩa - một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, cần phải loại trừ, hay nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần phải “quét sạch.

“Chủ nghĩa cá nhân”, theo “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên - một trong ít bộ từ điển tiếng Việt được đánh giá có hàm lượng khoa học tốt nhất hiện nay - là: “Thế giới quan dựa trên cơ sở đối lập quyền lợi cá nhân riêng lẻ với quyền lợi của xã hội, đặt quyền lợi của cá nhân trên quyền lợi của tập thể.

Theo định nghĩa trên thì thấy, “chủ nghĩa cá nhân” hoàn toàn phủ nhận những gì liên quan đến tập thể, cộng đồng, xã hội. “Chủ nghĩa cá nhân” không chỉ tuyệt đối hóa vai trò “cá nhân mà còn đối lập, phủ nhận hoàn toàn vai trò tập thể, cộng đồng, xã hội. “Chủ nghĩa cá nhân” khiến con người chui vào ốc đảo riêng mình, chỉ chăm chăm nghĩ và làm, vì và cho quyền lợi mỗi “cá nhân mình (gia đình mình, nhóm lợi ích của mình).“Chủ nghĩa cá nhân cũng là thứ virus lây lan khủng khiếp như bệnh dịch.

“Chủ nghĩa cá nhân” nguy hiểm, độc hại như vậy nên không thể cho phép nó tồn tại, có đất sống ở bất cứ nơi đâu. Không chỉ phòng, chống chủ nghĩa cá nhân mà cần phải “quét sạch, tiêu trừ nó như là một thứ kẻ thù nội xâm nguy hại bậc nhất - nơi phát sinh muôn hình vạn trạng kẻ thù khác đối với sự nghiệp chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ mặt đặt tên”chùm bệnh phái sinh, được đẻ ra từ chủ nghĩa cá nhân như: tham lam và tham nhũng; quan liêu và kiêu ngạo (tự cao, tự đại); suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; háo danh; kéo bè, kéo cánh (lợi ích nhóm); lười biếng, “hữu danh vô thực”, không nhìn xa, trông rộng; tị nạnh; xu nịnh, a dua...

Muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong bối cảnh đất nước hiện nay, nhất là trong tiến trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, ngoài những vấn đề chung mà tất cả chúng ta đã biết, từng ưu tiên, cùng chung lòng, chung sức thực hiện, nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo thiển ý của tác giả bài viết này, cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân phải quyết tâm thực hiện mấy công việc cụ thể, kịp thời và nóng bỏng sau đây:

Thứ nhất, biết rõ “chủ nghĩa cá nhân là một căn bệnh vừa cấp tính vừa mãn tính, đã và đang trở thành nan y, để có thể kiểm soát, kiềm chế nó một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, cần có một thiết chế đủ mạnh, nếu không muốn nói là rất mạnh, qua đó, khiến “chủ nghĩa cá nhân” biết run sợ, biết chùn tay, run tay trước mọi hành vi phá hoại của nó. Thiết chế đó, gần đây đã được bổ sung, củng cố, nâng cấp nơi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bằng Quy định số 32-QĐ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 16/9/2021. Tuy nhiên, điều quan trọng và thực tế nhất vẫn là, cần phải biến những quyết sách của Ban Chỉ đạo thành những hành động cụ thể, quyết liệt, kịp thời nơi các bộ phận, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương. Chúng ta dễ dàng nhận ra sự thiếu kiên quyết, có lúc buông lơi ở cấp dưới vì nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân thấy rõ nhất, đó là sự cả nể, sợ mất lòng, mất phiếu”, qua đó tiếp tục dung túng cho “chủ nghĩa cá nhân” có đất sống và lộng hành. Vả chăng, cần phải học và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh triệt để hơn trong việc xử lý các vi phạm của cán bộ do “chủ nghĩa cá nhân” gây ra, mà trường hợp của đại tá Trần Dụ Châu trong kháng chiến chống Pháp là một ví dụ tiêu biểu?

Thứ hai, dù nói cách gì thì cuối cùng, việc quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong và của mỗi người, với tư cách là một thành viên của cộng đồng, xã hội, vẫn là thao tác quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa quyết định tất cả. Muốn như vậy, hoạt động giáo dục và tự giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức, xác lập vững vàng lập trường, lý tưởng của mỗi cá nhân cần diễn ra thường xuyên, liên tục, không một giây lơi lỏng. Trong mỗi con người, phần dục vọng luôn tồn tại song hành với những ham muốn có thực, tất yếu. Tuy nhiên, luôn biết ngăn dục vọng, ham muốn dừng lại ở ngưỡng cho phép. Nghĩa là phải luôn ngăn “chủ nghĩa cá nhân” bao giờ cũng nằm ở dạng không thể trở thành hiện thực. Theo tôi, đây mới chính là giải pháp quan trọng nhất, hàng đầu của công cuộc “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ có thể thực hiện được khi mỗi đảng viên, nhất là những đảng viên nắm giữ các trọng trách trong bộ máy, phải thật sự phi “chủ nghĩa cá nhân”. Nghĩa là họ phải là những người đang và sẽ hy sinh tất cả những gì thuộc về cá nhân mình, một lòng một dạ vì và cho tập thể, cộng đồng, đất nước. Chỉ một ý nghĩ thoáng qua rằng: “chỉ đạo làm công việc này, rút cục, cá nhân mình được cái gì”, thì xin khẳng định ngay: “chủ nghĩa cá nhân” đang ẩn mình chính ở đó và sẽ bùng lên bất cứ lúc nào...

Để kết thúc bài viết, xin ghi lại lời nhắc nhở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiền bạc lắm làm gì, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Phải trọng liêm sỉ, đừng có bị “chủ nghĩa cá nhân” kéo xuống, để thân bại danh liệt”, như một hồi chuông cảnh tỉnh, luôn và mãi vang lên trong mỗi chúng ta.

TAO ĐÀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn