Kỷ niệm 44 năm Ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977 - 20/9/2021)

Thành viên tích cực, chủ động, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế

Cập nhật ngày: 15/09/2021 13:01:06

ĐTO - Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp quốc. Sau 44 năm kể từ ngày Việt Nam là thành viên chính thức của Liên Hợp quốc, mối quan hệ Việt Nam với Liên Hợp quốc ngày càng phát triển. Việt Nam luôn là thành viên tích cực, chủ động trong các hoạt động của tổ chức này. Những đóng góp của Việt Nam đã được Liên Hợp quốc ghi nhận.


Các sĩ quan Việt Nam lên đường tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc ở Nam Sudan. 
(Ảnh nguồn Internet)

Về phần mình, Việt Nam đã tích cực tham gia vào nỗ lực chung của Liên Hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người: Việt Nam đã tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân; ngày 17/5/2018 trở thành nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước. Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc, Việt Nam đã cử hàng trăm lượt sĩ quan, cán bộ tham gia Phái bộ Liên Hợp quốc ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, triển khai thành công  Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Ta đã được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2020 - 2021) với với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu ủng hộ. Việc Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối cho thấy những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hợp quốc nói chung và HĐBA nói riêng trong nhiều năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Trên cương vị này, ta đã phát huy được vai trò, chủ động và tích cực tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên HĐBA. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế Liên Hợp quốc về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đồng thời đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA (2020-2021), Việt Nam đã công bố 7 ưu tiên chính bao gồm: Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo Điều 6 Hiến chương Liên Hợp quốc; Cải tiến cách thức làm việc của HĐBA, tăng cường hợp tác giữa HĐBA và các tổ chức khu vực theo Điều 8 Hiến chương Liên Hợp quốc; Vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người dân tại các nơi xung đột; Phụ nữ, hòa bình, an ninh và trẻ em trong xung đột vũ trang; Khắc phục hậu quả xung đột (gồm hiểm họa bom mìn còn sót lại sau xung đột); Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc; Tác động của biến đổi khí hậu tới hòa bình và an ninh.

Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA Liên Hợp quốc, Việt Nam đã chủ động, tham gia sâu, và nắm bắt các cơ hội để thúc đẩy quan tâm lợi ích và ưu tiên của Việt Nam tại HĐBA một cách hiệu quả hơn. Năm 2020, thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Liên Hợp quốc phải đóng cửa, chuyển sang hoạt động trực tuyến từ tháng 3, sự chủ động của Việt Nam còn thể hiện ở việc cùng 8 nước thành viên không thường trực khác đề nghị HĐBA Liên Hợp quốc họp trực tuyến thảo luận về đại dịch COVID-19 vào đầu tháng 4/2020 và đây là cuộc họp đầu tiên của HĐBA về vấn đề này.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia và có nhiều đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng các văn kiện của HĐBA, đáp ứng quan tâm chung và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trên cương vị Chủ tịch HĐBA, Việt Nam đã hoàn thành tốt các công việc điều hành, chủ trì hoạt động, đại diện cho HĐBA trong quan hệ với các nước, các cơ quan Liên Hợp quốc, các tổ chức khu vực, quốc tế và báo giới.
Việt Nam cũng đã để lại dấu ấn quan trọng với việc tổ chức hai sự kiện là: Thảo luận mở của HĐBA với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, thông qua Tuyên bố Chủ tịch riêng đầu tiên của HĐBA về tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc và Phiên họp về hợp tác giữa Liên Hợp quốc và ASEAN lần đầu tiên tại HĐBA. Cả hai sáng kiến trên còn được dư luận đánh giá là “đúng, trúng và kịp thời”. Vai trò và sự tham gia của Việt Nam trong HĐBA đã nhận được nhiều nhận định và đánh giá tích cực từ phía lãnh đạo Liên Hợp quốc, các nước và dư luận quốc tế.

Điều này góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam, tạo tiền đề để Việt Nam tự tin phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình, đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách ủy viên không thường trực HĐBA trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, đồng thời khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động của Liên Hợp quốc, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

ĐỒNG DAO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn