“Tam nông” Đồng Tháp trước vận hội mới

Cập nhật ngày: 10/05/2022 16:39:48

ĐTO - Đây là một đề tài quen thuộc, nhưng không phải không có điều để tiếp tục bàn về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong sự giao hòa, giao thoa giữa ba phạm trù được gọi tắt là “tam nông” ở Đồng Tháp hiện nay. Càng có vấn đề để nói khi liên kết vùng nói chung, “tam nông” nói riêng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có Đồng Tháp, đang bước vào giai đoạn mới, vận hội mới từ Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước hết, nói về nông nghiệp. Ai cũng biết, Đồng Tháp là một trong hai địa phương sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước. Có thể nói, quản lý, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, trao đổi... sản phẩm nông nghiệp là công việc muôn thuở của nông nghiệp Đồng Tháp. Đó là truyền thống, là nền tảng để kế thừa, trao truyền cho muôn đời. Tuy nhiên, trong thời kỳ mới, nông nghiệp Đồng Tháp không thể bám chặt vào truyền thống, nền tảng nói trên, trong đó nhiều phẩm chất, tiêu chí, phương diện, khía cạnh... đã trở nên lỗi thời, mà cần thiết có sự thay đổi, chuyển đổi, thậm chí đột phá, bứt phá, mới có thể thích nghi, phù hợp với yêu cầu mới của thời đại.

Đã đến lúc, nông nghiệp Đồng Tháp phải từ bỏ một cách dứt khoát lối canh tác, sản xuất vừa manh mún, nhỏ lẻ, vừa không (hoặc ít) sạch, vốn tồn tại hàng trăm, hàng chục năm nay. Đây không chỉ là một vài địa chỉ làm thí điểm (VietGAP, GlobalGAP...), mà cần phải chủ trương từng bước đại trà và triển khai đại trà nhanh cho toàn bộ nền nông nghiệp tỉnh nhà. Mặc dù, Đồng Tháp hiện có 161 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao (đứng đầu vùng ĐBSCL và đứng thứ 4 cả nước, tính đến tháng 10/2021), song như vậy là chưa đủ, là còn ít, còn nhỏ so với cả nền nông nghiệp rộng lớn của tỉnh nhà. Thời điểm bây giờ là chín muồi để từng bước thực thi mạnh mẽ tiến trình nông nghiệp sạch. Nếu không hoặc chậm hơn, có thể sẽ phải “bám đuôi” các địa phương khác và đương nhiên, tổn thất là không nhỏ về nhiều phương diện.

Nông nghiệp sạch, diễn đạt một cách dễ hiểu nhất, đó là nền sản xuất nông nghiệp không sử dụng (hoặc giảm tối đa) thuốc trừ sâu và phân hóa học (chỉ dùng duy nhất hoặc nhiều nhất phân hữu cơ), điều mà hiện nay, nhìn chung, không ít nông dân Đồng Tháp vẫn còn “bấu víu” như một cứu cánh! Ai cũng biết, thuốc trừ sâu và phân hóa học đã ô nhiễm, hủy hoại đất ruộng, đất vườn, môi trường sinh thái khủng khiếp như thế nào. Càng bám vào nó, đất đai, môi trường ngày một bị tàn phá và sẽ đến lúc kiệt quệ. Điều đáng nói hơn là, giờ đây, sản phẩm từ nông nghiệp không sạch ngày càng khó cạnh tranh, tiêu thụ trên thế giới và ngay cả trong nước đối với “các bà nội trợ thông thái”. Xu hướng chọn gạo sạch, trái cây sạch, thực phẩm sạch... đang ngày một trở thành xu hướng chủ đạo trong tiêu dùng hiện nay. Người sản xuất không theo kịp, hơn thế, đi trước một bước, ắt sẽ bị bỏ lại, bị đào thải.

Nông thôn Đồng Tháp hiện nay là điều cũng rất đáng lưu tâm. Nhìn chung, có hai khía cạnh đáng bàn: một là, nó đã không “phố hóa” ồ ạt, mất kiểm soát như rất nhiều vùng nông thôn trên cả nước, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, ít nhất là về phương diện cảnh quan, cơ sở hạ tầng; và hai là, như một sự cộng hưởng sâu sắc với điều trên, vẫn còn đó những vùng nông thôn chậm phát triển, thậm chí còn khó khăn, lạc hậu. Nói đâu xa, ngay trong thành phố tỉnh lỵ Cao Lãnh, nếu có dịp đến kinh Hòa Tây, ranh giới giữa phường Hòa Thuận và xã Hòa An, chúng ta sẽ cảm nhận ngay sự phát triển còn chậm của nông thôn Đồng Tháp. Cả một dải tả ngạn kinh Hòa Tây thuộc xã Hòa An vẫn chưa có nổi một con đường, tương xứng với bên hữu ngạn thuộc phường Hòa Thuận, có lộ Hòa Tây nối dài...

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, thấm đẫm nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Ở Đồng Tháp hiện tại đã có 97/115 xã đạt danh hiệu “Xã nông thôn mới” (19/19 tiêu chí - tính đến tháng 5/2021). Một con số rất đáng tự hào! Nhưng đi sâu tận ngõ ngách nhiều vùng nông thôn Đồng Tháp, nhất là ở vùng xa, vùng sâu, vùng biên giới, vẫn thấy còn đó những khó khăn, vất vả, gian nan, thiếu thốn. Không đô thị hóa nông thôn, nhưng phải đưa nông thôn phát triển theo hướng hiện đại hóa là một nhiệm vụ còn nặng nề của Đồng Tháp.

Cùng với hệ thống hội quán nông dân phát triển mạnh và rất độc đáo ở Đồng tháp, có thể nói, đa phần nông dân ở Đồng Tháp đã trở thành người chủ thực sự của nông thôn và nông nghiệp tại quê hương, xứ sở mình. Chưa bao giờ người nông dân ở Đồng Tháp hiểu về làm chủ và thực thi làm chủ đích thực như hiện nay. Vấn đề đặt ra là, người nông dân Đồng Tháp cần phải biết làm chủ trong xu thế phát triển của nông nghiệp sạch, nghĩa là, chính họ, chứ không phải ai khác, là nhân tố quan trọng nhất của công cuộc phát triển nông nghiệp sạch nói trên. Chủ trương, chính sách kịp thời và có sự hỗ trợ của các ban, ngành chức năng liên quan, nhưng người nông dân, vì những lý do nào đó, vẫn không từ bỏ lối canh tác cũ - không sạch, với thuốc trừ sâu và phân hóa học, thì tất cả cũng trở thành vô nghĩa. Có thể khẳng định, nông nghiệp sạch chỉ có thể tồn tại và thành công, trước hết là từ nhận thức và hành động của người nông dân. Sự tồn tại và thành công của nông nghiệp sạch của nông dân Đồng Tháp còn phải được sự hỗ trợ hữu hiệu của nhiều cơ quan hữu quan, nhất là phải ngăn chặn, chấm dứt tình trạng được mùa mất giá như một căn bệnh lưu cửu lâu nay...

Hiện nay, nói nông dân Đồng Tháp đã có một cuộc sống tốt đẹp, dư dả ở mức cao thì chắc chưa ai dám cả quyết. Nói một bộ phận thì được. Để tất cả nông dân Đồng Tháp được như trên, chắc chắn cần có sự cố gắng tự thân của chính người nông dân, bên cạnh sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước cùng các ban, ngành hữu quan.

“Tam nông” Đồng Tháp đang bước vào giai đoạn mới, vận hội mới; đồng thời cũng đứng trước nhiều thách thức mới. “Nông nghiệp sạch, nông thôn mới, nông dân giàu” chính là mục tiêu to lớn mà Đồng Tháp đang hướng đến với quyết tâm và nỗ lực không ngừng.

TAO ĐÀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn