Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng

Cập nhật ngày: 06/05/2022 14:51:25

ĐTO - Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh đang được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp (DN) sản xuất đã hoạt động trở lại, số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất. Cùng với đó, việc người lao động được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 đã giúp DN tự tin khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đến nay, đã có 100% DN hoạt động ổn định trở lại, với công suất ổn định so với trước. Với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa Việt Nam với các nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa tỉnh của tham gia xuất khẩu. Ngành công thương cũng đã đặc biệt theo dõi, thường xuyên thông tin các chủ trương, chính sách xuất khẩu đến DN; kịp thời tham mưu, giải quyết vướng mắc, khó khăn của DN trong sản xuất, kinh doanh.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, môi trường sản xuất kinh doanh của tỉnh có những thuận lợi: sự đồng hành của chính quyền với DN và người dân trong phát triển sản xuất - kinh doanh, sự hưởng ứng và thích nghi tốt của cộng đồng DN đã tác động tích cực đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hầu hết các lĩnh vực sản xuất đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 4 tháng đầu năm 2022 tăng 5,51% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,9%. Một số ngành công nghiệp chế biến chủ lực của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ  (4 tháng đầu năm 2022, thủy sản chế biến tăng 16,56%, sản phẩm chế biến sau gạo (bánh, phở, hủ tiếu, bánh phồng tôm,...) tăng 32,75%, gạo xay xát tăng 13,78%,...). Nếu không tính xăng dầu tạm nhập để tái xuất, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 507 triệu USD, tăng 35,67% so với cùng kỳ năm 2021.

Lĩnh vực thương mại nội địa từng bước được khởi sắc, 100% chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh đã khôi phục hoạt động trở lại với công suất đạt 100%. Hoạt động thương mại trên địa bàn ổn định, đảm bảo cung ứng đủ phục vụ sức mua của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 37.165 tỷ đồng, tăng 4,59% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hoạt động thương nghiệp tăng 6,61%, chiếm hơn 78% trong tỷ trọng trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Sở Công Thương đã chủ động, phối hợp cùng các ngành, địa phương triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường: hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia hội nghị kết nối tiêu thụ với Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Tổng hợp Wincommerce, kết quả có 9 đơn vị tiềm năng có khả năng đáp ứng các điều kiện và có thể đưa hàng hóa ngay vào hệ thống của hàng của công ty (công ty cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, hội quán,... có thể đưa hàng vào hệ thống cửa hàng tại tỉnh Đồng Tháp); hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia phiên chợ cuối tuần tại siêu thị Tứ Sơn chủ đề “Sản phẩm OCOP và Đặc trưng nổi tiếng vùng miền”; triển khai Chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh;... tích cực hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng cường chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.

Ngành công thương cũng đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa như: thông tin đến DN về tình hình xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới các tỉnh phía Bắc; tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc; phối hợp các đơn vị liên quan thông tin về công tác kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo “Vùng xanh an toàn” trong khu vực cửa khẩu Bắc Luân II, lối mở biên giới (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh); tham mưu UBND tỉnh công văn đề nghị các đơn vị chức năng kiểm soát chuyên ngành tại Sân bay Tân Sơn Nhất hỗ trợ thủ tục thông quan xuất khẩu nông sản thí điểm;...

Về đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng tạo động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Sở Công Thương rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung hồ sơ thành lập cụm công nghiệp (CCN) (CCN Phong Mỹ, CCN Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh; CCN Quảng Khánh, TP Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh); phối hợp Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và địa phương giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu, CCN (Khu Công nghiệp (KCN) Tân Kiều, KCN Ba Sao, KCN Trần Quốc Toản mở rộng, CCN Quảng Khánh (giai đoạn 1). Đồng thời theo dõi tiến độ đầu tư các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã thi công và chưa thi công.

Bên cạnh kết quả phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, còn nhiều vấn đề cấp bách mà nhiều DN đang vướng như: thiếu nguồn lao động trong các ngành công nghiệp chế biến, may mặc; chi phí đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng không ít đến việc tổ chức sản xuất (giá nguyên, nhiên vật liệu, chi phí logistics,...); thiếu hụt nguồn vốn cho duy trì và tái sản xuất... Ngoài ra, các DN cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm lại thị trường, tìm kiếm khách hàng khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong thời gian dài.

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến tài chính, các chính sách hỗ trợ giảm, gia hạn thế, các loại phí, lệ phí liên quan đến thủ tục, hồ sơ của DN; chỉ đạo đối với các ngành, địa phương tăng cường tiếp xúc DN, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, kịp thời hỗ trợ thông tin, hỗ trợ thủ tục hồ sơ để DN được tiếp cận kịp thời chính sách của Trung ương và địa phương.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn