TP Hồng Ngự quyết liệt triển khai các nhiệm vụ

Cập nhật ngày: 31/05/2022 04:00:18

ĐTO - Trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo phương châm hành động của Chính phủ trong năm 2022: “Đoàn kết, kỷ cương, liêm chính, chủ động, đổi mới, hiệu quả” nên tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hồng Ngự những tháng đầu năm 2022 có những điểm sáng đáng ghi nhận.


Một góc TP Hồng Ngự

Căn cứ nội dung cam kết hành động với UBND tỉnh năm 2022, UBND TP Hồng Ngự lồng ghép vào chương trình, kế hoạch công tác, đồng thời đã giao cho một đơn vị, cá nhân chủ trì và chịu trách nhiệm chính trong triển khai tổ chức thực hiện. Thủ trưởng các phòng, ban, ngành và Chủ tịch UBND xã, phường cũng đã ký bản cam kết hành động với UBND thành phố gồm 102 nhiệm vụ, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai các nhiệm vụ gắn liền với công tác phòng, chống dịch, nhất là lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, kinh tế... đảm bảo phù hợp với mục tiêu, chủ trương bình thường mới và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Các thế mạnh về nông nghiệp tiếp tục được phát huy, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm của thành phố ước đạt 387,5ha (bằng 96,4% kế hoạch năm, giảm 1% so với cùng kỳ), tổng sản lượng thủy sản ước đạt 33.905 tấn (bằng 46,1% kế hoạch năm, tăng 0,6% so với cùng kỳ), trong đó sản lượng cá tra thương phẩm khoảng 30.000 tấn. Các loại cá nuôi lồng, bè như: cá he, cá hú, basa, lăng nha, điêu hồng giá bán ổn định. Đa phần các hộ nuôi bè đều có liên kết với thương lái, công ty nên việc thu mua thuận lợi. Riêng cá tra thương phẩm từ đầu năm đến nay giá ở mức cao so với cùng kỳ nhiều năm nên người nuôi có lợi nhuận.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có các mô hình phát triển nông nghiệp có hiệu quả, được nhân rộng như: mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín (15 nhà); mô hình ương, nuôi lươn tuần hoàn (20 hộ); mô hình ươm cây giống trong nhà màng (3 nhà); mô hình trồng hoa kiểng (5 hộ);... Thành phố đã xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025. Trong đó, tiếp tục trọng tâm phát triển 4 ngành hàng chủ lực: lúa, cá tra, cây ăn trái, lươn. Đồng thời đang xúc tiến lập hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị lập đề án phát triển nông nghiệp đô thị đến năm 2030 để triển khai thực hiện.

Thành phố hiện có 27 sản phẩm xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 23 sản phẩm đạt hạng 3 sao; tiếp tục vận động các cơ sở khởi nghiệp có sản xuất sản phẩm tiềm năng (các loại tinh dầu, mật ong, trà các loại, rượu,...), sản phẩm truyền thống (khô, mắm, nước mắm, patê, chả lụa,...) có đủ điều kiện tham gia sản phẩm OCOP chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2022, phấn đấu đến cuối năm 2022 có từ 6 sản sản phẩm đạt hạng từ 3-4 sao.

Về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thành phố tiếp tục liên kết với các địa phương để phát triển nhanh và bền vững. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn chung như: giá cả nguyên liệu đầu vào tăng; chi phí sản xuất tăng; nguồn vốn doanh nghiệp cạn kiệt; thiếu công nhân (Công ty TNHH may túi xách Thái Dương; Công ty Cổ phần may mặc Nhi Phước...). Tuy nhiên, UBND thành phố luôn chủ động nắm bắt tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tập trung thực hiện 3 trọng tâm: khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực và thị trường. Các doanh nghiệp cũng quyết tâm khắc phục khó khăn, tăng cường các hoạt động sản xuất, nhất là các sản phẩm, ngành nghề địa phương có lợi thế. Đến nay, cơ bản các doanh nghiệp đã hoạt động 100% số lượng và công suất.

Ngay từ đầu năm 2022, UBND thành phố đã tổ chức họp mặt doanh nghiệp để lắng nghe, giải đáp, tiếp nhận ý kiến đóng góp và phản biện của các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm đáp ứng được sự kỳ vọng của doanh nghiệp. Thành phố tập trung chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo giao thông thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai; thực hiện chuyển đổi số theo kết luận, kế hoạch của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến... UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành tham mưu hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất,... và hỗ trợ các nhà đầu tư: NovaGroup, T&T, Hùng Cá, BigC tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá khu vực dự kiến lập quy hoạch dự án và thực hiện các thủ tục liên quan về đầu tư. Những tháng đầu năm, TP Hồng Ngự có 3 nhà đầu tư về đầu tư trên địa bàn gồm: dự án Trường Phan Chu Trinh của Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ đào tạo giáo dục Khai Minh; dự án Xưởng may miền Nam của Công ty CP May mặc Miền Nam - Việt Nam và Xưởng may mặc Cửu Long River của Công ty TNHH May Cửu Long River...

Từ nay đến cuối năm, các ngành, các cấp của TP Hồng Ngự tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: thu ngân sách đạt dự toán tỉnh giao đảm bảo nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng cam kết tỷ lệ với tỉnh; tăng cường hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, có ít nhất 2 dự án đầu tư đăng ký mới trên địa bàn, có ít nhất 2 dự án khởi nghiệp mới và doanh nghiệp thành lập mới, có ít nhất 1 mô hình mới, cách làm hiệu quả được triển khai;...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn