Anh Nguyễn Phú Thịnh

Sáng tạo nhiều công cụ phục vụ cho nghề làm vườn

Cập nhật ngày: 01/11/2013 06:24:29

Đến vườn quýt đường của anh Nguyễn Phú Thịnh ở ấp Thới Hòa, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung mới thấy việc thiết kế hàng, hướng, mương, lối đi, hệ thống tưới và hệ thống ngăn nước lũ bảo vệ vườn hết sức ngăn nắp và khoa học. Vườn trồng quít chỉ hơn hai năm tuổi mà cành lá xum xuê, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Được như vậy là nhờ chủ nhân khu vườn đã tìm tòi sáng tạo ra những công cụ phục vụ cho sản xuất từ việc tận dụng những phế liệu rẻ tiền.


Anh Nguyễn Phú Thịnh với thiết bị phun thuốc tắt mở bằng sóng điện thoại

Sáng kiến đầu tiên là việc dùng ống mủ dẫn nước gập lại thay thế van để tiết kiệm chi phí, trước nhu cầu thiếu lao động trong khâu phun thuốc trừ sâu, anh Thịnh đã sáng tạo ra hệ thống tự động pha thuốc, quậy thuốc và điều khiển tắt mở máy phun thuốc để một mình anh có thể phun thuốc trong cả vườn trong thời gian ngắn nhất. Đây là sáng kiến rất hữu ích nhưng cũng vô cùng phức tạp vì phải phối hợp bởi nhiều chuyên ngành như: cơ khí, điện công nghiệp, tự động hóa, điện tử và sóng điện thoại di động... nhưng chỉ một mình anh tự nghiên cứu tìm tòi qua sách vở, thử nghiệm và cuối cùng anh thực hiện thành công.

Dẫn chúng tôi vào một phòng được xây bằng gạch có mái che để chứa những công cụ phục vụ cho làm vườn, trong đó có trang bị một máy dầu, ba thùng phuy 200 lít 1 cái xô dung tích khoảng 100 lít và hệ thống truyền, ống nước thiết kế chằng chịt. Với cách thiết kế này, khi vận hành, dây phun thuốc trừ sâu có thể dẫn đi khắp khu vườn trên 5.000m2, khi xịt xong một hàng, yêu cầu phải kéo dây đến hàng khác hoặc qua mương... anh chỉ cần lấy điện thoại di động ra điều khiển, máy phun thuốc sẽ tự động ngừng hoạt động để tiết kiệm thuốc trừ sâu và dầu chạy máy. Cùng với hệ thống này, việc tưới nước cho vườn cây cũng đuợc vận hành tương tự.

Với hệ thống điều khiển tự động này, mỗi năm tiết kiệm gần 50 ngày công lao động, mỗi lần phun thuốc anh tiết kiệm 400 lít dung dịch đã pha thuốc, kể cả chi phí tiền điện, tiền dầu chạy máy. Quan trọng hơn là anh đã chủ động trong việc thuê mướn lao động công nhật và hạn chế việc tiếp xúc thuốc trừ sâu độc hại.

Không dừng lại ở sáng kiến độc đáo trên, anh Thịnh còn cho chúng tôi xem công cụ pha thuốc tự động, xe tự chế để vận chuyển vật tư, trái cây trong vườn, hệ thống tưới vườn tự động, kể cả hệ thống dàn, giá đở trái cam, quít... mỗi sáng kiến dù nhỏ cũng mang lợi ích kinh tế cao, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành...

Hiện nay, diện tích trồng cây ăn quả của huyện Lai Vung là 4.000ha nên nhu cầu phun xịt thuốc trừ sâu bệnh là rất lớn, do đó sáng kiến của anh Thịnh sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho nhà vườn.

Phạm Văn Thật

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn