Hiệu quả công tác phòng, chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật

Cập nhật ngày: 18/12/2022 06:27:43

ĐTO - Thực hiện kế hoạch liên ngành trong công tác phòng, chống thanh thiếu niên (TTN) vi phạm pháp luật (VPPL), Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, quản lý đối tượng TTNVPPL, kết hợp tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa, giúp các em tái hòa nhập cộng đồng.


Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp tham dự tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội trong trường học

Thực hiện Kế hoạch liên ngành số 146/KHLN giữa Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh về phối hợp TTNVPPL giai đoạn 2021-2025, Sở LĐ-TB&XH, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các Phòng LĐ-TB&XH huyện, thành phố quan tâm thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông đến người dân, đối tượng TTN thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, chi, tổ, hội những nội dung về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người...

Phòng LĐ-TB&XH, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các xã, phường, thị trấn và lực lượng Công an địa phương phát động phong trào “Toàn dân phòng, chống ma túy” gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy cho học sinh, sinh viên, TTNVPPL. Đồng thời phối hợp với Tòa án nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh tiến hành mở 10 phiên họp xét tại Cơ sở điều trị nghiện, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 10 học viên. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi để học viên Cơ sở điều trị nghiện có động lực từ bỏ nghiện, có niềm tin khi tái hòa nhập cộng đồng. Cơ sở điều trị nghiện phối hợp Trung tâm dạy nghề huyện Cao Lãnh tổ chức mở 2 lớp sơ cấp công nhân xây dựng cho 40 học viên đang điều trị tại cơ sở tham gia học nghề. Trong suốt thời gian học, các học viên tích cực học lý thuyết, thực hành nghề để có thể định hình về công việc sau khi hoàn thành chương trình điều trị, tái hòa nhập cộng đồng.

Phòng ngừa các hành vi VPPL trong thanh niên và trong đối tượng học sinh, học viên, vừa qua, Phòng LĐ-TB&XH huyện Tháp Mười và Phòng LĐ-TB&XH TP Cao Lãnh phối hợp với Công an huyện Tháp Mười, Công an TP Cao Lãnh tổ chức tuyên truyền giáo dục học sinh về phòng, chống tệ nạn xã hội cho hơn 500 học sinh tại Trường Trung cấp Tháp Mười và Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn mời báo cáo viên báo cáo chuyên đề về tâm lý xã hội kết hợp sinh hoạt văn nghệ cho học viên tại Cơ sở điều trị nghiện...

Tạo điều kiện cho TTNVPPL từng bước tái hòa nhập cộng đồng, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố phối hợp với Công an cùng cấp và các ngành có liên quan tiến hành rà soát, lập danh sách những đối tượng chấp hành xong án phạt tù thật sự hoàn lương, có nhu cầu vay vốn theo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 852/QĐ-UBND-HC ngày 5/7/2021 của UBND tỉnh về việc công nhận điều lệ Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng tỉnh Đồng Tháp để hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Mặt khác, tuyên truyền vận động các đối tượng này tham gia đăng ký học nghề tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và tham gia các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức để tìm kiếm cơ hội việc làm. Với những giải pháp thực hiện, phối hợp thực hiện trong phòng, chống TTNVPPL, trong năm 2022, ngành LĐ-TB&XH được giao quản lý, cảm hóa, gặp gỡ thăm hỏi, giáo dục cho 193 TTNVPPL. Đến nay, qua thống kê rà soát số TTNVPPL giảm còn 28 đối tượng, thanh loại khỏi danh sách là 168 đối tượng.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 1/6/2020 của UBND tỉnh về phòng, chống TTNVPPL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 và Kế hoạch liên ngành số 146/KHLN ngày 8/8/2021 về phối hợp phòng, chống TTNVPPL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng với các ngành liên quan thực hiện có hiệu quả mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” gắn với công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố phối hợp với Công an địa phương rà soát, phân loại số TTN có tiền án, tiền sự, tha tù hoặc đã chấp hành xong các quyết định xử lý để có kế hoạch hỗ trợ, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ vốn vay. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền dành cho đối tượng TTNVPPL. Trong đó, chú trọng công tác đầu tư, nâng cấp cơ sở điều trị nghiện, tạo sân chơi lành mạnh cho học viên trong thời gian điều trị. Trong hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật đến các em học sinh, học viên, không để các em có các hành vi vi phạm pháp luật.

H.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn