Số người phạm tội tăng và diễn biến khá phức tạp trong năm 2021

Cập nhật ngày: 15/01/2022 08:45:12

ĐTO - Trong năm 2021, tình hình tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh tuy có giảm về số vụ nhưng lại tăng về số người phạm tội và vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể: Cơ quan Cảnh sát điều tra hai cấp đã khởi tố mới 984 vụ (giảm 64 vụ) với 1.593 bị can (tăng 201 bị can) so với năm 2020. Tính chất và mức độ phạm tội nghiêm trọng hơn, đồng thời phương thức và thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt hơn; quy mô phạm tội mở rộng, có nhiều bị can tham gia, thực hiện nhiều hành vi phạm tội, phạm tội ở nhiều địa phương,... qua đó xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân.


Công an huyện Hồng Ngự đã khởi tố bị can Lê Văn Tiễn (SN 1980, ngụ thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự) về hành vi buôn bán hàng cấm (thuốc lá điếu nhập lậu)

Trước tình hình trên, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo toàn ngành quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự. Trong năm 2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra hai cấp đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 874 vụ với 1.477 bị can, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã truy tố 874 vụ với 1.477 bị can (đạt 100%), Tòa án nhân dân hai cấp đã xét xử 787 vụ với 1.203 bị cáo. Các vụ án đã giải quyết đều bảo đảm đúng pháp luật, không có trường hợp nào Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội, không có án đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội, hạn chế được việc bỏ lọt tội phạm.

Theo lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, kết quả trên là do lãnh đạo các ngành Công an - Viện Kiểm sát nhân dân - Tòa án nhân dân hai cấp có sự nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của quan hệ phối hợp giữa 3 ngành tiến hành tố tụng trong giải quyết án hình sự, coi đây là nhân tố hàng đầu, không thể thiếu, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết án hình sự. Từ đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, phát triển quan hệ phối hợp, làm cho quan hệ phối hợp trở nên nhịp nhàng nhưng luôn đề cao tính thực chất, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành. Bên cạnh những ưu điểm, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp trong giải quyết án hình sự có những hạn chế như: tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tại một số địa phương còn chậm; việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn xảy ra.

Cũng theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, hiện tại quan hệ phối hợp giữa 3 ngành tố tụng Công an – Viện Kiểm sát nhân dân - Tòa án nhân dân trong giải quyết vụ án hình sự được thực hiện theo Quy chế phối hợp điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự số 02 ngày 13/1/2014, nhưng có một số nội dung của Quy chế nói trên không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp lãnh đạo 3 ngành Công an - Viện Kiểm sát nhân dân - Tòa án nhân dân tỉnh để thống nhất việc xây dựng, ban hành Quy chế mới thay thế Quy chế số 02.

Định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm, các ngành tố tụng cần phải tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác phối hợp trong giải quyết án hình sự dưới sự chủ trì của Ban Nội chính Tỉnh ủy để rút ra những ưu, khuyết điểm và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ phối hợp. Đặc biệt là để trao đổi, rút kinh nghiệm đối với những vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, án bị hủy để điều tra lại. Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường theo dõi, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo đối với các vụ việc, vụ án do cấp ủy theo dõi chỉ đạo, đôn đốc giải quyết cũng như đối với các vụ việc, vụ án có khó khăn, vướng mắc về quan điểm xử lý nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian tới.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn