Thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý các kiến nghị khởi tố của Cơ quan thanh tra

Cập nhật ngày: 19/06/2022 05:50:29

ĐTO - Hàng năm, Công an tỉnh cử thành viên tham gia Đoàn công tác rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội do Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì và thực hiện đúng theo nhiệm vụ được phân công, đảm bảo tiến độ và các nội dung kế hoạch đã đề ra. Đồng thời phối hợp tốt với Cơ quan thanh tra trong việc xử lý các kiến nghị khởi tố đúng trình tự, thủ tục theo Bộ luật Tố tụng hình sự và đa số các kiến nghị đều khởi tố xử lý hình sự.


Đồng chí Trần Văn Đoàn - Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu ý kiến liên quan đến công tác tiếp nhận, xử lý các kiến nghị khởi tố của Cơ quan thanh tra

Từ năm 2015 đến nay, Cơ quan điều tra đã tiếp nhận 27 kiến nghị khởi tố từ Cơ quan thanh tra chuyển đến, Cơ quan điều tra phân công Điều tra viên khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh, đảm bảo thời gian theo quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Qua quá trình điều tra, xác minh, đã ra quyết định khởi tố 14 vụ với 25 bị can, không khởi tố 11 vụ với 8 đối tượng, đang tiếp tục xác minh 2 vụ. Kết quả xử lý đều có thông báo đến Cơ quan thanh tra nắm, phối hợp thực hiện dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật.

Nội dung kiến nghị xử lý hình sự thường xảy ra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng đất đai. Nguyên nhân xảy ra các sai phạm này chủ yếu do công tác quản lý có lúc có nơi còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát trong nội bộ, nên các đối tượng có điều kiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái các quy định về quản lý Nhà nước để chiếm đoạt tài sản hoặc gây thất thoát, thiệt hại tài sản của đơn vị. Trên cơ sở các kết luận, kiến nghị của Đoàn thanh tra, các đơn vị được thanh tra đều cơ bản tổ chức thực hiện tốt, kịp thời. Tuy nhiên, có một số hạn chế, khó khăn như: các vụ việc vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua công tác thanh tra thường rất phức tạp, thời điểm phát sinh xảy ra từ rất lâu, kéo dài; việc thu hồi tài sản còn hạn chế là do hành vi phạm tội đã diễn ra trong thời gian dài.

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phối hợp trong thời gian tới, Công an tỉnh kiến nghị, đề xuất các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan như: thông qua công tác thanh, kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu sai phạm của đối tượng thanh, kiểm tra thì Cơ quan thanh tra kịp thời trao đổi ngay với Cơ quan điều tra cùng cấp. Trường hợp cần thiết, Cơ quan điều tra có thể tham gia cùng Đoàn thanh tra ở thời điểm phù hợp để chủ động trong thu thập tài liệu, chứng cứ; đồng thời Cơ quan thanh tra nhanh chóng có kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra để sớm xử lý theo quy định pháp luật.

Đối với các vụ án, vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra có thể trưng dụng hoặc đề nghị cán bộ thanh tra hỗ trợ với tư cách chuyên gia, để giúp Cơ quan điều tra giải quyết các vấn đề thuộc về chuyên ngành thanh tra, nhằm sớm làm rõ sự thật khách quan của vụ án, vụ việc. Khi thanh tra phát hiện có hành vi chiếm đoạt hoặc gây thất thoát tài sản, cần tiến hành kiểm tra quỹ tiền mặt tại đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp mà người vi phạm đang công tác để chốt số tiền tồn quỹ, nhằm làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, gây thất thoát trong quá trình thanh tra. Công tác phối hợp giữa Cơ quan thanh tra và Cơ quan điều tra cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa. Kết luận thanh tra cần xác định rõ hành vi sai phạm nào có dấu hiệu tội phạm để kiến nghị khởi tố; hạn chế việc kết luận thanh tra chuyển kiến nghị khởi tố nhiều nội dung, số tiền vi phạm lớn nhưng kết quả điều tra chỉ có vài nội dung có căn cứ xử lý hình sự, số tiền vi phạm xử lý hình sự thấp hơn nhiều so với kết luận thanh tra, tạo dư luận không tốt trong công tác phối hợp.

TIẾN ĐẠT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn