Xã hội hóa hoạt động công chứng: Còn đó những bất cập

Cập nhật ngày: 27/09/2013 05:45:30

Hơn 6 năm kể từ ngày Luật Công chứng (CC) có hiệu lực thi hành (1/7/2007), việc xã hội hóa trong hoạt động CC đã giúp giảm tải rất nhiều đối với hoạt động CC Nhà nước và UBND các cấp. Tuy nhiên, hoạt động CC tư trong tỉnh hiện vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Xã hội hóa công chứng - Nâng cao sự an toàn pháp lý


Người dân đến công chứng giấy tờ tại Văn phòng công chứng Châu Thành

Các Văn phòng công chứng (VPCC) ra đời đã hạn chế được tình trạng quá tải trong hoạt động CC, từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Đội ngũ CC viên được đào tạo cơ bản, có trình độ đại học Luật trở lên, đồng thời có thâm niên trong ngành và kinh nghiệm qua thực tiễn công tác nên đã đáp ứng được nhu cầu CC của nhân dân khi các hoạt động giao dịch dân sự ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho cơ sở vật chất được chú trọng, chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên, cung cách phục vụ linh hoạt, thuận tiện, nhanh chóng hơn.

VPCC Châu Thành, VPCC Đồng Tháp, VPCC Tháp Mười (từ 1/1/2012 đến 20/12/2012) và Phòng Công chứng Số 1, Số 2, Số 3, VPCC Lấp Vò, VPCC Bách Việt (từ 1/1/2012 đến 30/5/2013) đã CC hơn 52.000 việc với tổng số phí CC gần 12 tỷ đồng, thù lao CC trên 930 triệu đồng. Trong đó phần lớn là các hợp đồng thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, phân chia tài sản thừa kế.

Qua công tác kiểm tra của các sở, ngành liên quan, UBND tỉnh đánh giá các tổ chức hành nghề CC chấp hành tốt quy định của pháp luật đối với việc niêm yết công khai lịch làm việc, thủ tục CC, phí và thù lao; những hợp đồng, giao dịch được CC viên thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và xem xét đầy đủ căn cứ pháp lý trước khi ký văn bản CC.

Xã hội hóa hoạt động CC đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao sự an toàn pháp lý cho các giao dịch, hợp đồng. Góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật trong các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại... Bên cạnh đó, thông qua hoạt động tiếp người yêu cầu CC, tổ chức hành nghề CC đã tích cực tuyên truyền, tư vấn những quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân.

Tính đến thời điểm 30/5/2013, trên địa tỉnh có 8 tổ chức hành nghề công chứng gồm 3 Phòng Công chứng và 5 Văn phòng công chứng ở các huyện, thị, thành phố với 17 công chứng viên. Trong tháng 6/2013, VPCC Đất Quý (ở thị xã Hồng Ngự) tiếp tục được thành lập.

Vẫn còn những bất cập

Theo đánh giá của UBND tỉnh, hoạt động CC trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc CC hợp đồng ủy quyền liên quan đến động sản và bất động sản rất nhiều. Hầu hết các trường hợp có nội dung là ủy quyền toàn quyền quản lý, sử dụng, thế chấp, chuyển nhượng, mua bán, cho tặng tài sản. Điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro và rất dễ bị các bên lợi dụng để mua bán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước mà CC viên không có quyền từ chối thực hiện. Hoạt động CC là công việc đặc thù, có không ít rủi ro. Song, việc quy định quá nhiều trường hợp được miễn đào tạo nghề CC và quy định trách nhiệm bảo hiểm còn thấp theo quy định pháp luật hiện nay là chưa phù hợp.

Thực tế qua tìm hiểu thì có nhiều VPCC “than thở” tình hình làm ăn quá “ế ẩm”, kinh doanh không hiệu quả hoặc hiệu quả chưa cao. Bà Võ Thị Lệ - Trưởng VPCC Châu Thành cho hay: 6 tháng đầu năm 2013, VPCC Châu Thành CC gần 4.000 việc, tổng thu chưa tới 360 triệu đồng. Để tạo điều kiện cho khách hàng đến CC, nhiều VPCC hỗ trợ khách hàng trong soạn thảo, chỉnh sửa văn bản CC; thực hiện dịch vụ CC tại nhà, ngoài giờ làm việc... Chị Nguyễn Kim Hoa ở ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò đến CC tại PVCC Châu Thành cho biết, chị thật sự bất ngờ và phấn khởi vì mọi thủ tục pháp lý được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện; rất hài lòng với thái độ phục vụ vui vẻ, nhiệt tình của CC viên.

Dù có nhiều ưu việt như thế nhưng người dân vẫn còn “lạ lẫm” với dịch vụ CC tư. Điều này thể hiện rõ nét qua tình hình hoạt động của PVCC Tháp Mười. Trong 7 tháng đầu năm 2013, PVCC Tháp Mười chỉ tiếp nhận và giải quyết được gần 1.500 hợp đồng giao dịch. Tổng thu dưới 231 triệu đồng nhưng tổng chi hơn 331 triệu đồng (tiền lương, chi phí văn phòng...). VPCC Tháp Mười tiếp tục bị lỗ hơn 100 triệu đồng. Từ khi thành lập (9/2011) cho tới nay, trung bình VPCC này có chưa tới 10 khách hàng/ngày. Hiện văn phòng còn nợ lương trên 170 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng VPCC Tháp Mười cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với VPCC Tháp Mười là việc chưa được chuyển giao thẩm quyền chứng thực từ UBND huyện và UBND cấp xã sang VPCC. Do đó, ở Tháp Mười hiện nay đang hoạt động song trùng giữa chứng thực ở UBND huyện, xã và CC ở VPCC. Các giao dịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì phí CC và chứng thực thu bằng nhau; còn từ 100 triệu đồng trở lên thì phí chứng thực chỉ bằng khoảng 2/3 phí CC. Mức phí cao hơn, cộng với thói quen của người dân thường chứng thực ở UBND cấp xã, huyện nên VPCC chưa thu hút được khách hàng. Nếu tình trạng này kéo dài thì văn phòng khó có thể duy trì hoạt động.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn