Nâng cao chất lượng cải cách hành chính qua đánh giá Chỉ số PAR Index

Cập nhật ngày: 27/04/2023 10:49:21

ĐTO - Sở Nội vụ tổ chức điều tra xã hội học và phân tích kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố để qua Chỉ số PAR Index xác định được điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình thực hiện cải cách hành chính (CCHC). Qua đó, các cơ quan, địa phương có sự điều chỉnh mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp phù hợp trong thực hiện công tác CCHC, góp phần nâng cao chất lượng CCHC, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tặng Bằng khen cho 4 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện cải cách hành chính năm 2022

Các sở nỗ lực chỉ đạo, điều hành

Kết quả Chỉ số PAR Index năm 2022, cơ bản phản ánh đầy đủ những kết quả đạt được của các cơ quan trong thực hiện CCHC theo từng lĩnh vực với 2 nhóm điểm: nhóm xếp loại xuất sắc, các cơ quan đạt từ 90% trở lên gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ; nhóm xếp loại tốt, các cơ quan đạt từ 80% đến dưới 90% gồm tất cả các cơ quan còn lại.

Theo bà Đỗ Thị Thanh Trang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, giá trị trung bình Chỉ số PAR Index của 17 cơ quan là 86,89% (tăng 1,52% so với năm 2021). Kết quả Chỉ số PAR Index cho thấy, các cơ quan đã nỗ lực trong công tác thực hiện nhiệm vụ CCHC so với các năm trước đây. Năm 2022, Chỉ số PAR Index của các cơ quan đều xếp loại từ tốt trở lên, đồng thời khoảng cách PAR Index giữa các cơ quan được rút ngắn đáng kể so với năm 2021. Điều này khẳng định, các cơ quan có nhiều sự cải thiện, phấn đấu tích cực trong năm qua.

Kết quả công tác chỉ đạo, điều hành CCHC có sự cải thiện đáng kể so với năm 2021, cụ thể, giá trị trung bình Chỉ số thành phần công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của các cơ quan đạt được là 92,49% (tăng 7,74% so với năm 2021). Điều này cho thấy các cơ quan có sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành thúc đẩy triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Năm 2022, có 16/17 cơ quan Chỉ số thành phần đạt từ 85% trở lên, trong đó có tới 14 cơ quan đạt Chỉ số trên 90%. Kết quả này thể hiện những nỗ lực của cơ quan đã tập trung ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành với nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của CCHC.

Bà Phạm Thị Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư, Sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về trình tự, thủ tục triển khai dự án của nhà đầu tư thực hiện ngoài các khu công nghiệp, khu kinh tế, theo đó đã rút ngắn hơn 1/2 thời gian thực hiện so với quy định của Luật Đầu tư. Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng, vận hành Hệ thống lấy ý kiến và ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống lấy ý kiến trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam. Trong năm 2022, 100% TTHC lĩnh vực doanh nghiệp được giải quyết trước hạn và đúng hạn; tỷ lệ TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt khoảng 94%. Kết quả này góp phần nâng cao Chỉ số “Chi phí thời gian” và Chỉ số “Gia nhập thị trường”, qua đó, góp phần duy trì Chỉ số PCI của tỉnh năm 2022 xếp hạng 5/63 tỉnh, thành phố “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước”.


Năm 2022, các sở, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện Chỉ số cải cách hành chính

Các địa phương cải thiện điểm số

Năm 2022, có 9/12 địa phương đạt từ 80% trở lên (tăng 3 địa phương so với năm 2021), trong đó có 4 địa phương xếp loại xuất sắc (từ 85% trở lên); không có địa phương nào đạt Chỉ số dưới 70%. Cụ thể, nhóm xếp loại xuất sắc có PAR Index từ 85% trở lên gồm 3 huyện: Tam Nông, Châu Thành, Tháp Mười và TP Hồng Ngự; nhóm xếp loại tốt có PAR Index từ 80% đến dưới 85% gồm 3 huyện: Hồng Ngự, Lai Vung, Lấp Vò và 2 thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc; nhóm xếp loại khá có PAR Index từ 70% đến dưới 80% gồm 3 huyện: Tân Hồng, Cao Lãnh, Thanh Bình.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, chia sẻ: “Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch CCHC năm 2022 nhằm chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn huyện và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai, quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị thực hiện. Huyện triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch CCHC năm 2022 như: ban hành kế hoạch kiểm tra CCHC; tổ chức họp đánh giá, chấn chỉnh, khắc phục hạn chế thực hiện những nội dung, nhiệm vụ theo bảng Chỉ số CCHC của tỉnh. Từ đó giao cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc huyện có trách nhiệm tham mưu giúp UBND huyện chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan và UBND cấp xã triển khai thực hiện có hiệu quả theo các tiêu chí chỉ số có liên quan đến ngành thuộc đơn vị mình thực hiện. Bên cạnh đó, UBND huyện ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số PAR Index để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục các hạn chế còn tồn tại, phấn đấu đưa Chỉ số PAR Index của huyện đạt từ 80 điểm trở lên”.

Giá trị trung bình PAR Index của các địa phương là 82,28% (tăng 1,79% so với năm 2021), trong đó, có 7/12 địa phương có chỉ số trên mức giá trị trung bình. Khoảng cách giữa địa phương có PAR Index cao nhất với địa phương có PAR Index thấp nhất là 10,12%, rút ngắn hơn so với năm 2021 là 12,60%. Theo kết quả PAR Index năm 2022, có 10/12 địa phương có chỉ số tăng so với năm 2021; trong đó, tăng nhiều nhất là TP Cao Lãnh với giá trị tăng 6,49%, tiếp theo là huyện Lai Vung với giá trị tăng 6,21%, huyện Tam Nông với giá trị tăng 5,61%, các địa phương còn lại có chỉ số tăng từ 0,19 - 4,99%. Kết quả PAR Index năm 2022, cho thấy Chỉ số CCHC của các địa phương có sự chuyển biến tích cực, có 4 địa phương xếp loại xuất sắc, 5 địa phương xếp loại tốt; đồng thời khoảng cách PAR Index giữa các địa phương được rút ngắn đáng kể so với năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP Hồng Ngự, chia sẻ: “Lãnh đạo UBND thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc họp chuyên đề về CCHC để lắng nghe các cơ quan, địa phương, nhất là công chức phụ trách Một cửa, công chức chuyên môn báo cáo các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ. Ngoài ra, thông qua các cuộc họp chuyên đề, các cơ quan, địa phương còn chia sẻ kinh nghiệm, mô hình mới, cách làm hay cùng nhau học tập, triển khai thực hiện, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của thành phố”.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, trong năm 2022, người dân, doanh nghiệp tiếp tục có những đánh giá cao về kết quả CCHC của các cơ quan, địa phương trong tỉnh. Kết quả thực hiện CCHC đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp trong phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống và tạo được niềm tin, sự ủng hộ ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, kết quả đánh giá cũng cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn mong đợi nhiều hơn nữa đối với việc triển khai nhiệm vụ CCHC, đây là tín hiệu lạc quan và động lực cần thiết để tăng cường sự chỉ đạo, điều hành nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC trong thời gian tới.

DƯƠNG CẦM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn