Hiệp định Paris với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới

Cập nhật ngày: 25/01/2023 09:46:03

ĐTO - Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết. Đây chính là tiền đề tiến hành giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.


Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris (Ảnh tư liệu - nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân)

Liên tiếp bị thất bại nặng nề ở cả hai miền Nam - Bắc của Việt Nam, đặc biệt là thắng lợi của quân, dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam Tết Mậu Thân 1968, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, là “một sự choáng váng đối với tất cả người Mỹ”. Trước tình hình đó, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố: Hy vọng đi tới hội nghị hòa bình với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự”. Ngày 3/4/1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (CPVNDCCH) ra tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ. Tuy nhiên, phải mất 30 ngày, hai bên mới thỏa thuận, thống nhất được địa điểm họp ở Paris theo sáng kiến của ta.

Ngày 13/5/1968, Hội nghị Paris giữa phái đoàn của CPVNDCCH và Hoa Kỳ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, phố Kléber. Đến ngày 20/10/1972, hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng của dự thảo Hiệp định Paris về Việt Nam và dự định ký Hiệp định ngày 31/10/1972. Nhưng, ngay sau khi Ních-xơn trúng cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai, phía Mỹ lại nêu ra nhiều trở ngại để trì hoãn việc ký Hiệp định. Việt Nam đã mạnh dạn phê phán thái độ không nghiêm túc của chính quyền Mỹ và trước sức ép của dư luận quốc tế, đợt đàm phán mới bắt đầu từ ngày 20/11/1972.

Đến ngày 27/01/1973, Bộ trưởng Ngoại giao bốn bên dự Hội nghị Paris là Nguyễn Duy Trinh (CPVNDCCH), Nguyễn Thị Bình (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), W. Rogers (Hoa Kỳ), Nguyễn Văn Lắm (chính quyền Sài Gòn) đã chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 4 Nghị định thư liên quan. Ngày 28/01/1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris chính thức được thi hành. Hiệp định Paris buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam và mở đường cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.

Đây là kết quả của quá trình đàm phán dài nhất thế giới với 4 năm 8 tháng 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có 9 chương 23 điều, gồm 4 loại điều khoản chính: Thứ nhất, cam kết của Hoa Kỳ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng quyền tự quyết của Nhân dân miền Nam Việt Nam; Hoa Kỳ không tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Thứ hai, ngừng bắn, Hoa Kỳ rút hết quân trong 60 ngày; chấm dứt bắn phá miền Bắc; nhận tháo gỡ mìn do Hoa Kỳ đã rải ở miền Bắc. Thứ ba, về nội bộ miền Nam thực hiện theo nguyên tắc hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ, tổ chức tổng tuyển cử tự do, thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần để tổ chức tổng tuyển cử. Thứ tư, ghi nhận các điều khoản về thống nhất Việt Nam, về Lào và Campuchia, về cơ cấu thi hành Hiệp định Ủy ban liên hợp và Ủy ban quốc tế; về Hội nghị quốc tế xác nhận Hiệp định và điều khoản về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam dân chủ cộng hòa. 

Đối với Việt Nam, Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành tột bậc của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Hiệp định Paris là bước ngoặt lịch sử, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự lãnh đạo đúng đắn sáng suốt của Đảng, phát huy cao độ thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, kết hợp thành công sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến Đại thắng mùa xuân 1975. Hiệp định Paris là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện nhất, đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của Nhân dân Việt Nam; là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Đối với thế giới, thắng lợi của Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của Nhân dân Lào và Campuchia; góp phần mở ra một giai đoạn mới ở khu vực Đông Nam Á - giai đoạn hòa bình, ổn định, khép lại quá khứ, hướng đến xây dựng cộng đồng ASEAN. Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của Nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình. Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do; vì hòa bình, công lý.

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay. Thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao, phối hợp với các mặt trận chính trị, quân sự; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất các mặt trận, “vừa đánh, vừa đàm”, tạo ra sức mạnh tổng hợp, giành toàn thắng. Kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc; vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tạo thời cơ, kéo địch vào đàm phán, chủ động tấn công ngoại giao và kết thúc đàm phán khi điều kiện chín muồi; xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn, tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi đối với cuộc kháng chiến của Nhân dân ta để làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris. Sức mạnh của chính nghĩa, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế; sức mạnh từ sự kết hợp tài tình giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; giữa đánh và đàm, giữa chiến trường và bàn đàm phán. Bài học về đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, về xây dựng lực lượng...

Các bài học của Hội nghị Paris là hành trang quý giá để chúng ta vững bước tiến vào giai đoạn hội nhập quốc tế, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, củng cố, nâng cao thế và lực của đất nước. Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về công tác đối ngoại, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tích rất tốt đẹp. Điều đó đã được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng: “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đối ngoại phải tiếp tục là mặt trận quan trọng góp phần xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đòi hỏi, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao ý chí cách mạng, đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng ra sức phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tích cực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, chủ động thích ứng trước chuyển biến của tình hình, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, đưa công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế giành được những thành tựu to lớn hơn, toàn diện hơn, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhân kỷ niệm 50 Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023), chúng ta luôn tin tưởng và kỳ vọng, phát huy tinh thần Hội nghị Paris, công tác đối ngoại nhất định sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa; ghi tiếp các mốc son mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phu Sắc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn