Trường Trung cấp Tháp Mười

Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề

Cập nhật ngày: 17/11/2022 05:52:32

ĐTO - Thực hiện nhiệm vụ được giao trong công tác tư vấn, tuyển sinh, đào tạo nghề, năm 2022, với sự quan tâm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Tháp Mười, Trường Trung cấp (TC) Tháp Mười đã tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị trường, UBND các xã, thị trấn tổ chức tư vấn học sinh (HS) tham gia học nghề. Qua đó, tỷ lệ HS tham gia học nghề đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra trong năm 2022.


Học sinh Trường Trung cấp Tháp Mười tham gia thực hành nghề

Ngay từ đầu năm, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo quyết liệt công tác tư vấn, phân luồng HS. Cụ thể, nhà trường đã giữ quy mô ngành, nghề tuyển sinh nhằm thu hút người học, hiện nay, trường đang đào tạo 7 ngành/nghề, từ đó tăng cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho các em HS. Trong công tác truyền thông, Hiệu trưởng và Hiệu phó trực tiếp tham gia công tác tư vấn, tuyển sinh tại các trường THCS trên địa bàn huyện Tháp Mười. Với cách làm này, qua việc tư vấn, truyền thông, giúp Ban giám hiệu nhà trường đánh giá được thực tế tình hình tư vấn, tuyển sinh để có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Đến nay, có 330 HS đăng ký học, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 là 10%; vượt 27% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.

Chú trọng nâng cao trình độ nhân lực phục vụ cho nhiệm vụ giảng dạy, Ban giám hiệu Trường TC Tháp Mười tạo mọi điều kiện để đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Cụ thể, cử 5 giáo viên tham dự bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm hạng III, 1 giáo viên hạng II; cử 8 cán bộ quản lý, giáo viên tham dự bồi dưỡng về công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, phối hợp tổ chức chỉnh sửa chương trình, giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, cụ thể, chỉnh sửa 3 nghề: điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cắt gọt kim loại; xây dựng mới 2 chương trình đào tạo: kế toán - tin học, bảo trì và sửa chữa ô tô, đạt 100% so với kế hoạch đã đề ra.

Trường TC Tháp Mười còn thực hiện liên kết đào tạo và tuyển sinh các lớp vừa học vừa làm, văn bằng 2 với các Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Cửu Long, Đại học Đồng Tháp, liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp kỹ thuật giao thông Đồng Tháp mở lớp đào tạo lái xe... Qua đó, đáp ứng nhu cầu học hệ vừa học vừa làm của người dân tại huyện Tháp Mười và các huyện lân cận.

Cùng với công tác tư vấn, tuyển sinh, đào tạo nghề, Trường TC Tháp Mười còn chủ động kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, tổ chức phiên giao dịch việc làm tại đơn vị; cử cán bộ phụ trách công tác quản lý HS tham dự các phiên giao dịch việc làm hàng tháng do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức để cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng ngành nghề, chỉ tiêu tuyển, nơi làm việc, thu nhập đến HS. Đối với một số nghề cơ khí, điện lạnh... Ban giám hiệu nhà trường kết nối, giới thiệu HS đến thực tập. Sau thực tập, một số đơn vị công ty, doanh nghiệp trong, ngoài huyện mong muốn được tuyển dụng HS đã qua đào tạo của nhà trường. Kết quả khảo sát của phòng chuyên môn Trường TC Tháp Mười về tỷ lệ HS tốt nghiệp của trường có việc làm sau 3 tháng ra trường là trên 80%, sau 6 tháng là trên 90%.

Trường TC Tháp Mười còn phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp dưới 3 tháng với trên 583 học viên, đạt 100% theo kế hoạch của UBND huyện Tháp Mười. Sau học nghề, hơn 90% học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm để có thêm thu nhập. Chất lượng công tác đào tạo nghề của đội ngũ giáo viên, giảng viên, nghệ nhân của trường đảm bảo, nội dung chương trình vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành, giúp học viên dễ tiếp thu, vận dụng vào thực tế.

Trong thời gian tới, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, hiện đại với nhiều phương thức và trình độ đào tạo, Ban giám hiệu nhà trường định hướng và đưa ra một số giải pháp trọng tâm như: tăng cường công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và các chương trình đào tạo chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp cải tiến chương trình, giáo trình đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, gắn đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp; phối hợp với doanh nghiệp đào tạo theo đơn đặt hàng giúp HS có việc làm ngay sau khi ra trường, tiếp tục có các hoạt động chăm lo cho đối tượng HS có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em yên tâm học tập.

H.An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn