Chắp cánh đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Cập nhật ngày: 03/05/2022 05:42:20

ĐTO - Từ ngày 28/4 - 3/5, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) “Liên kết cùng phát triển - Đồng Tháp 2022”. Sự kiện hướng đến việc quảng bá, giới thiệu và xây dựng hình ảnh ấn tượng, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm OCOP gắn với văn hóa; giới thiệu tiềm năng, góp phần nâng cao hình ảnh và giá trị văn hóa du lịch vùng ĐBSCL.


Khu trưng bày chung sản phẩm OCOP các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. 
Ảnh: MỸ NHÂN

Phát huy tốt vai trò sản phẩm OCOP

Theo Bộ NN&PTNT, hiện khu vực ĐBSCL có 1.276 sản phẩm đã được công nhận Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) từ 3 sao trở lên, chiếm 17,1% tổng số sản phẩm của cả nước. Trong đó, 66,8% sản phẩm đạt 3 sao, 30,6% sản phẩm đạt 4 sao, 2,4% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia; có 643 chủ thể OCOP với 32,8% là doanh nghiệp (DN), 17,2% là hợp tác xã và 48,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh...

Tại Đồng Tháp, qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng không ngừng phát triển cả về số lượng, lẫn chất lượng. Năm 2021, Bộ NN&PTNT công nhận tỉnh là 1 trong 10 tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 265 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP gồm: 61 sản phẩm đạt 4 sao và 204 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, có 4 sản phẩm 4 sao đã trình hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia xét công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa thăm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại được tỉnh đẩy mạnh thực hiện, từ đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh vào được hệ thống siêu thị như: Co.op Mart, Big C, Vin Mart, Bách Hóa Xanh, Tứ Sơn, Annam Gourmart Market, cửa hàng bán lẻ Vissan; có hơn 300 sản phẩm của 60 DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất lên sàn thương mại điện tử uy tín như: Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo. Ngoài ra, tỉnh cũng thành lập Trung tâm Giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội, Trung tâm Giới thiệu ẩm thực - đặc sản - du lịch Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL tại Phú Quốc, thành lập Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp với mục tiêu kết nối các DN, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh tại khu vực phía Bắc và khách du lịch trong và ngoài nước...

Là một trong những DN của tỉnh Đồng Tháp tham gia Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL, ông Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp (huyện Châu Thành) cho biết: “Diễn đàn lần này giúp DN tiếp cận nắm bắt, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng để có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Từ đó, chúng tôi sẽ có những bổ sung cần thiết, góp phần hoàn thiện hơn sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong và ngoài nước”.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban Tổ chức diễn đàn cho biết, diễn đàn là chuỗi sự kiện nhằm tăng cường tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL với các địa phương trên cả nước, làm cơ sở để đẩy mạnh và phát huy tiềm năng về sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL. Qua diễn đàn lần này, các DN sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao thương, liên kết, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài khu vực ĐBSCL...

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá: “Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương. Mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn, trong đó có những sản phẩm từ sen - thể hiện giá trị sâu lắng về văn hóa, con người xứ sở Sen hồng Đồng Tháp”.

Các địa phương vùng ĐBSCL đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung, ưu tiên phát triển sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gần với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung như: trái cây, thủy sản, lúa gạo để phát triển các sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái vùng.


Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp tham gia diễn đàn

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Theo Bộ NN&PTNT, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thời gian qua đã góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân, phát triển thương hiệu cho nhiều chủng loại hàng hóa đặc sản của các địa phương, phát triển thị trường. Phát huy lợi thế tài nguyên bản địa, đến nay, Chương trình OCOP đã đạt được những thành công bước đầu và thể hiện sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều tỉnh, thành phố trong vùng đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2018 - 2020 cấp tỉnh, đồng thời xác định những sản phẩm thế mạnh, đặc thù. Nhiều sản phẩm chất lượng đã được sản xuất, tiêu thụ tốt trên thị trường cả trong nước và xuất khẩu...

Để nâng cao hơn nữa giá trị cho sản phẩm OCOP, theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2022, tỉnh phấn đấu hỗ trợ ít nhất 30 đơn vị sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tỉnh Đồng Tháp (dacsandongthaptxng.vn); tổ chức 4 tuần hàng đặc sản Đồng Tháp trên môi trường trực tuyến; tập trung hỗ trợ phát triển website thương mại điện tử, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, hội quán; tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp tại Trung tâm Giới thiệu ẩm thực - đặc sản - du lịch Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL (The Mekong Connect) tại Grand World Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); gian giới thiệu và trưng bày đặc sản Đồng Tháp tại trụ sở Quốc hội, chuỗi siêu thị và qua các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Postmart, Voso...


Sản phẩm OCOP của huyện Lai Vung tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm

 “Thời gian qua, thông qua nhiều chương trình, dự án, các địa phương vùng ĐBSCL đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung như: trái cây, thủy sản, lúa gạo... mang sắc thái ĐBSCL. Sản phẩm OCOP đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường về tiêu dùng và các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương. Phát triển các sản phẩm OCOP góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương”- ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn