Năm 2022, triển khai quyết liệt các công trình giao thông trọng điểm

Cập nhật ngày: 13/01/2022 10:27:11

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220113103034dt2-6.mp3

ĐTO - Dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của ngành giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Tháp. Song, bằng những giải pháp và sự quyết tâm, ngành đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, nhất là việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường tăng liên kết vùng, tạo động lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội.


Dự án đường Sở Tư pháp góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho TP Cao Lãnh

Theo Sở GTVT Đồng Tháp, trong năm 2021, ngành GTVT làm chủ đầu tư 12 dự án (DA), trong đó có 7 DA đang ở giai đoạn thi công và 5 DA đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện đầu tư.

Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả các hoạt động, ngành GTVT đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, nhất là giải quyết các khó khăn trong công tác quản lý các tuyến Quốc lộ, công tác đấu nối, giải phóng mặt bằng, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Ngành GTVT cũng hoàn thành tốt vai trò chủ đầu tư trong triển khai các công trình trong năm kế hoạch 2021, chuẩn bị các DA cho năm kế hoạch 2022 như: DA xây dựng tuyến ĐT 857 (đoạn QL30 - ĐT 845); Bến phà An Phong - Tân Bình huyện Thanh Bình; hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền; nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự (giai đoạn 3 - tuyến tránh TP Cao Lãnh)...

Bên cạnh đó, Sở GTVT quan tâm thực hiện tốt công tác duy tu bảo dưỡng, kịp thời khắc phục các sự cố hư hỏng cầu đường; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển vận tải giai đoạn 2021-2025...

Là một trong những địa phương được quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, thời gian qua, TP Sa Đéc đang triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu theo định hướng quy hoạch chung được duyệt và sẽ hoàn thành phê duyệt trong năm 2022. Trên cơ sở các đồ án được phê duyệt, trong đó đã định hướng các tuyến đường giao thông trọng điểm mang tính chất kết nối liên vùng, mở rộng không gian đô thị và cải tạo chỉnh trang đô thị của thành phố định hướng đến năm 2030. Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố đã đề xuất UBND tỉnh chấp thuận hỗ trợ nguồn vốn phát triển đô thị với 3 DA: cầu và đường Nguyễn Tất Thành, đường N7 (đoạn từ đường hoa Sa Đéc đến ĐT 848), đường D2 (đoạn từ đường Nguyễn Sinh Sắc - Đào Duy Từ).

Để việc phát triển hạ tầng giao thông địa phương và nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới vào địa bàn, ông Bùi Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc cho biết: “Trong thời gian tới, Thành ủy, UBND TP Sa Đéc sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát trong việc thực hiện đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm giai đoạn 2021-2025, hoàn thành theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra. Thành phố chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát quy hoạch đề xuất lập các thủ tục đầu tư các công trình giao thông có tính chất mở rộng không gian đô thị, chỉnh trang đô thị để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và nguồn vốn khác đối ứng của địa phương. Cùng với đó, kiến nghị tỉnh ưu tiên đưa vào quy hoạch tỉnh đối với DA đường Vành đai 2 theo định hướng quy hoạch chung thành phố và các DA trọng điểm khác nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phát triển đô thị Sa Đéc xứng tầm với đô thị loại I đến năm 2030...”.


Trong năm 2021, ngành giao thông vận tải tỉnh hoàn thành dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự (giai đoạn 2)

Ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp cho biết: “Thời gian tới, các ngành, địa phương phải hoàn thiện thủ tục bố trí vốn năm 2022 và hoàn thiện thủ tục bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025; đảm bảo thủ tục bố trí vốn đối với công trình khởi công mới dự kiến năm 2023. Đồng thời phân công lãnh đạo phụ trách cụ thể từng DA và họp định kỳ hằng tuần hoặc hằng tháng để nắm bắt chi tiết tiến độ thực hiện và giải ngân của DA; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong từng công tác thực hiện đầu tư xây dựng, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và giải ngân kế hoạch vốn để làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm; xây dựng cụ thể kế hoạch tiến độ thực hiện và giải ngân các DA để đảm bảo tiến độ cũng như làm cơ sở các cấp có thẩm quyền giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện của chủ đầu tư...”.

Nhấn mạnh ngành giao thông vận tải tiếp tục được xem là mũi đột phá của tỉnh trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang đề nghị các địa phương phải triển khai quyết liệt các công trình giao thông trọng điểm ngay từ đầu năm, nhất là đối với 3 đại công trình giao thông trên địa bàn gồm: tuyến Cao Lãnh - An Hữu, Cao Lãnh - Mỹ An và tuyến tránh TP Cao Lãnh. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác quản lý ngành giao thông, thường xuyên bảo dưỡng các tuyến đường, quản lý tốt kết cấu hạ tầng giao thông, duy tu bảo dưỡng các tuyến giao thông nông thôn. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, khai thác và chú trọng nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển hệ thống logistics; thường xuyên theo dõi, thực hiện tốt công tác quản lý, công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đường thủy năm 2022; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô...

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn