Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập

Cập nhật ngày: 14/09/2021 15:03:23

ĐTO - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trên tinh thần đó, thời gian qua, Đồng Tháp chú trọng thực hiện và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.


Các doanh nghiệp đều đẩy mạnh đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động nhằm tăng năng suất lao động (ảnh tư liệu, Nhật Khánh)

Thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp có những chuyển biến tích cực. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực không ngừng nâng lên. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với cơ cấu kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng kiên cố, chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh. Ngoài ra, Đồng Tháp còn triển khai đồng bộ các đề án, chương trình nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh từng bước được sắp xếp phù hợp với thực tế của địa phương. Chất lượng giảng dạy và năng lực quản trị trường học của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý từng bước nâng lên.

Hiện nay, hệ thống các cơ sở giáo dục công lập được sắp xếp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Chất lượng giáo dục đào tạo phát triển ổn định toàn diện, có bước chuyển biến tích cực. Công tác phân luồng học sinh bước đầu đạt kết quả khả quan; giáo dục khởi nghiệp trong học đường có chuyển biến tích cực.

Đối với công tác kêu gọi đầu tư xã hội hóa có nhiều tiến triển, đặt nền móng thay đổi tư duy quản lý, đáp ứng nhu cầu dịch vụ giáo dục chất lượng cao, phát triển kỹ năng mềm cho học sinh. Thời gian qua, tỉnh thu hút 8 dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và có 6 dự án đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa 541 học sinh du học theo chương trình vừa học vừa làm tại các trường đại học tại Đài Loan.


Đào tạo nghề nông thôn giúp người dân nâng cao thu nhập (ảnh tư liệu, Nhật Khánh)

Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian qua, hệ thống cơ sở dạy nghề của tỉnh được sắp xếp phù hợp với thực tế, đổi mới công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh, thực hiện các chương trình giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, lao động nông thôn với nhiều chính sách hỗ trợ. Tính đến nay, toàn tỉnh có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện và 8 đơn vị có tham gia vào giáo dục dạy nghề. Đáng quan tâm hơn khi công tác đào tạo nghề được thực hiện đa dạng, với nhiều hình thức, nội dung chương trình dạy nghề được đổi mới, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị trong giảng dạy, gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp. Từ đó, chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động. Hệ thống trường cao đẳng trong tỉnh có 2 nghề tiếp cận cấp độ quốc tế, có 4 nghề tiếp cận cấp độ khu vực ASEAN. Ngoài đào tạo cho lực lượng lao động trong tỉnh, tỉnh còn thu hút 1.073 du học sinh từ các nước đến tham gia học tập (Campuchia có 953 học sinh, Lào có 54 học sinh, Bru-nây có 3 sinh viên thực tập, Pháp 63 sinh viên thực tập). Thời gian qua, hơn 106.700 lao động được đào tạo nghề, đạt 100% so với kế hoạch, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%. Tỷ lệ học sinh sau đào tạo có việc làm đạt trên 80%, dạy nghề theo địa chỉ doanh nghiệp đạt 100%.

Ngoài ra, Đồng Tháp tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trước mắt và lâu dài. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, từng bước đi vào nền nếp. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; quản lý nhà nước; chuyên môn nghiệp vụ; kỹ năng lãnh đạo, quản lý; quốc phòng - an ninh; ngoại ngữ, tin học; kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, vị trí việc làm trong nước cho trên 115.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức.


Đồng Tháp từng bước đào tạo những nông dân chuyên nghiệp (ảnh tư liệu, Mỹ Nhân)

Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nguồn nhân lực trong tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Đa phần lao động trong tỉnh có trình độ phổ thông hoặc trung cấp và cao đẳng nghề. Số lao động có trình độ đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng lao động được đào tạo. Do đó, nguồn nhân lực chỉ được đáp ứng cho nhu cầu trước mắt của các ngành nghề có nhu cầu lao động ở trình độ thấp hoặc nhu cầu lao động phổ thông. Ngoài ra, lực lượng lao động chưa qua đào tạo về chuyên môn kỹ thuật còn khá lớn, chiếm khoảng 50%. Nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước và khu vực. Chất lượng giáo dục còn chênh lệch giữa các địa bàn; dạy và học ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu; hiệu quả của công tác tư vấn hướng nghiệp, học nghề trong học sinh chưa cao.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tập trung phát triển theo hướng sâu, rộng về nguồn nhân lực, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế. Nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước theo hướng thực hiện cơ chế tự chủ gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa phù hợp với điều kiện và nguồn lực phát triển của tỉnh. Gắn việc phát triển nguồn nhân lực với vị trí việc làm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hướng đến việc tiêu chuẩn hóa theo vị trí công việc.


Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao lai tạo và thuần dưỡng những giống hoa kiểng mới (ảnh tư liệu, Mỹ Lý)

Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm đào tạo đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, chú trọng công tác kiểm định chất lượng giáo dục, phát huy năng lực người học gắn với thực hành, thực tế; đẩy mạnh giáo dục lối sống, đạo đức, nhân cách, lý tưởng. Đồng thời phát huy vai trò của các cơ sở đào tạo trong tỉnh như Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Cao đẳng Y tế và các trường trung cấp trong việc phát triển nguồn nhân lực. Áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.

Hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh cần cây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và thị trường cung – cầu lao động và các cơ sở đào tạo; tạo cơ chế thực hiện đào tạo nghề theo yêu cầu, tiêu chí của doanh nghiệp và đào tạo nghề nghiệp cho nhân lực đáp ứng thị trường lao động nước ngoài.

PHẠM NGỌC HÒA

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn