Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp hướng đến mô hình phát triển bền vững

Cập nhật ngày: 03/01/2022 10:54:16

ĐTO - UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương trong triển khai lập quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua thời gian thực hiện, UBND tỉnh vừa tổ hội thảo đầu kỳ quy hoạch tỉnh với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, để nhận diện thực trạng phát triển của tỉnh từ trước đến nay và các nguyên nhân gây cản trở sự phát triển và định hướng phát triển trong thời gian tới; làm nền tảng để các ngành, các cấp và đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu các nội dung chi tiết cho quy hoạch tỉnh.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia tư vấn để xây dựng quy hoạch tỉnh đảm bảo yêu cầu

Quy hoạch tỉnh có nhiệm vụ định hướng phát triển, sắp xếp không gian, phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn các huyện, thành phố. Báo cáo đầu kỳ quy hoạch, đơn vị tư vấn đã trình bày 3 nội dung: dự thảo khung định hướng phát triển quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (kiến trúc sư (KTS) Lê Văn Lợi, KTS. Michel Fanni, KTS. Thierry Van De Wyngaert, KTS. Dominique Clayssen – đơn vị tư vấn EAI 43 (trưởng liên danh tư vấn); nhận định về hiện trạng và định hướng phát triển các lĩnh vực nông – lâm – thủy sản (đại diện Phân viện quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp miền Nam); nhận định về hiện trạng và định hướng phát triển các lĩnh vực công nghiệp – thương mại – dịch vụ (đại diện Viện quy hoạch xây dựng TP.Hồ Chí Minh).

Theo các nhà tư vấn, chiến lược chủ đạo cho quy hoạch tỉnh là “Một mô hình phát triển lãnh thổ bền vững”. Theo đó, có 4 nội dung phát triển: về xã hội là môi trường cân bằng và hài hòa (phát triển các trọng điểm đô thị, cơ sở vật chất công cộng cân bằng, xây dựng môi trường sống phù hợp); kinh tế là lãnh thổ hấp dẫn cho các doanh nghiệp (một môi trường dịch vụ, nguồn nhân lực có trình độ, rút ngắn khoảng cách với các tỉnh); môi trường là bảo tồn cho tương lai (duy trì đa dạng sinh học, bảo tồn thủy văn và sinh thái, quảng bá lịch sử và văn hóa); vận hành với mạng lưới kết nối hiệu quả cao (các dự án cơ sở hạ tầng lớn).

Đơn vị tư vấn tiếp cận quy hoạch về xã hội với quan điểm phát triển đào tạo dựa trên đặc trưng văn hóa địa phương, hoàn thiện các chương trình về y tế và chăm sóc sức khỏe; phát huy sự năng động và kết quả của chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là bổ trợ thêm việc đào tạo nghề; dựa trên nguồn nhân lực địa phương, để tổ chức, kết nối và bỗ trợ lẫn nhau cho các cụm công nghiệp hiện có phát huy các lợi thế địa phương; nâng cao giá trị của các làng nghề truyền thống; thu hút các chuyên môn mới và đào tạo các nghề mới để khai thác tiềm năng từ các điểm du lịch của Đồng Tháp gắn liền với thiên nhiên, văn hóa và lịch sử; tiếp tục bảo toàn và phát huy giá trị di sản phi vật thể, một trong những chất hình thành đặc trưng dân cư; cải thiện các chương trình hướng nghiệp để xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng đáp ứng với sự chuyển đổi của kinh tế tỉnh; tiếp tục đầu tư vào hệ thống y tế, hạ tầng cơ sở, phương tiện vật chất; nâng cao hiệp đồng giữa các cơ sở y tế, đặc biệt là hoàn chỉnh các chương trình đào tạo chuyên sâu; phát huy văn hóa địa phương, phổ biến và lan tỏa vào cộng đồng để hướng đến đặc trưng địa phương; tạo ra những công việc mới dựa trên các tiềm năng phát triển hiện có về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ và du lịch.

Về kinh tế, các nhà tư vấn đưa ra những điểm quan trọng cho quy hoạch như: khẳng định vị thế kinh tế tỉnh trong bối cảnh vùng và quốc tế; thích ứng và kết nối hệ thống giao thông thủy, dày đặc, thích ứng và gia tăng phục vụ cho các cụm phát triển kinh tế của tỉnh; lồng ghép lưu thông đường biển của hàng hóa chiếm một vị trí quan trọng trong kinh tế của tỉnh, cần phải đan cài nhân tố này trong chiến lược phát triển hệ thống cảng của tỉnh. Đồng Tháp cần phải khẳng định vai trò trong cấu trúc luồng vận chuyển hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long; thiết lập hệ thống cảnh báo kinh tế để theo sát những biến động các chỉ số kinh tế và các tiềm năng của tỉnh, lường trước, hỗ trợ phát triển tỉnh; khai thác thế mạnh nông nghiệp nước ngọt, sự đa dạng sản phẩm, tìm kiếm chất lượng và lồng ghép công nghiệp chế biến (chế biến sâu và phân khúc cao).

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, các nhà tư vấn đã đưa vào định hướng quy hoạch nhiều thông tin, điểm mới, với nhiều tâm huyết. Quy hoạch tỉnh là hội tụ, tích hợp trí tuệ từ nhiều chuyên gia quốc tế, trong nước, các ngành, địa phương về tầm nhìn, chiến lược của tỉnh. Các nhà tư vấn, chuyên gia cùng các sở, ngành, địa phương cần phối hợp tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo để làm rõ các vấn đề đưa vào quy hoạch, đảm bảo định hướng phù hợp, có tính khả thi cao. Đồng Tháp rất kỳ vọng vào quy hoạch lần này là phát triển thuận thiên, khai thác lợi thế tốt hơn; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân... Các sở, ngành, địa phương tiếp tục chủ động đề ra định hướng từng giai giai đoạn, tìm ra phương án tối ưu, rõ ràng để xây dựng quy hoạch. Lãnh đạo tỉnh sẽ tích hợp các ý tưởng để tạo ra quy hoạch có chất lượng, đúng tầm...

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn