Anh Lê Phước Minh khởi nghiệp từ rơm cuộn

Cập nhật ngày: 28/08/2022 16:57:20

ĐTO - Từ thực trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, anh Lê Phước Minh (SN 1999) - Bí thư Chi đoàn ấp Tân Thạnh, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò đã nghiên cứu thu gom, xử lý và biến rơm thành sản phẩm mang giá trị kinh tế cao.


Anh Lê Phước Minh chuẩn bị rơm cuộn giao cho khách hàng

Sinh ra ở vùng quê nên từ nhỏ, anh Minh gắn liền với những bó rơm, gốc rạ. Thông thường, vào cuối mùa vụ, rơm rạ không sử dụng được, nông dân xử lý bằng cách đốt đồng, gây ô nhiễm môi trường. Với cơ địa dị ứng khói bụi, nhất là khói rơm rạ nên mỗi lần nông dân đốt đồng là anh Minh cảm thấy rất khó chịu.

Chính vì vậy, anh Minh luôn trăn trở tìm cách để người dân thay đổi thói quen đốt rơm rạ sau khi thu hoạch và nung nấu ước mơ kiếm tiền từ rơm rạ. Ngay khi còn ngồi trên giảng đường đại học, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, anh tìm tòi, nghiên cứu cách biến rơm rạ trở thành sản phẩm có giá trị cao hơn.

Theo anh Minh, nhu cầu sử dụng rơm làm thức ăn cho gia súc và phục vụ sản xuất nông nghiệp khá lớn. Nhận thấy tiềm năng này, từ cuối năm 2019, anh bắt đầu liên kết cung ứng sản phẩm rơm cuộn. Ban đầu, anh dự tính chỉ làm thử nghiệm nhưng hiệu quả mang lại vượt qua sự mong đợi nên đầu năm 2020, anh quyết định tạm gác lại việc học để theo đuổi mô hình này. Anh Lê Phước Minh chia sẻ: “Tôi muốn trở về quê để phát triển tiềm năng của rơm cuộn. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn góp một phần trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế khí thải từ việc đốt rơm rạ”.

Trở về quê, anh Minh không quản ngại vất vả, rong ruổi khắp các cánh đồng trong huyện Lấp Vò để thu mua rơm. Theo đó, anh phải tính toán, xem xét chất lượng rơm để quyết định giá và cách thu gom rơm. Theo anh Minh, với diện tích 1.000m2 lúa chỉ thu được từ 3-5 cuộn rơm, có trọng lượng từ 13-15kg/cuộn. Đối với rơm đẹp, anh bán cho các trang trại làm thức ăn cho trâu bò, còn lại anh phân phối cho các hộ dân canh tác kiệu, khoai môn... với giá bán từ 25.000-26.000 đồng/cuộn. Hiện nay, anh liên kết với những chủ máy thu hoạch lúa trong toàn huyện Lấp Vò để thuận tiện cho việc thu gom rơm.

Năm đầu mới bước vào nghề, sản lượng rơm anh Minh thu gom và bán ra chỉ khoảng 10 tấn, thì đến năm 2021, cơ sở của anh cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 30 tấn rơm. Để thuận tiện cho việc thu mua rơm rạ, anh Minh còn xây nhà kho với sức chứa khoảng 5.000 - 10.000 cuộn rơm. Cùng với đó, anh còn liên kết thường xuyên với nhiều lao động thu gom, giúp họ có thêm thu nhập.

Chị Hà Thị Mỹ Hoa - Bí thư Xã đoàn Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò cho biết, với sức trẻ năng động, anh Lê Phước Minh không ngừng mày mò học hỏi những cách làm hay, sáng tạo để áp dụng vào công việc kinh doanh của gia đình theo hướng thân thiện với môi trường và tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, anh Minh còn liên kết với các vựa lân cận trong khu vực để thường xuyên trao đổi về sản phẩm, giá cả của rơm, nhằm phát huy hiệu quả kinh tế”.

KHÁNH AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn