Phát triển bền vững ngành hàng xoài

Cập nhật ngày: 07/09/2022 10:52:35

ĐTO - Nhằm hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng xoài hiệu quả, bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn vừa ban hành Kế hoạch phát triển ngành xoài tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025.


Nhà vườn (Phường 3, TP Cao Lãnh) chọn lựa xoài giao cho thương lái

Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 diện tích trồng mới, cải tạo vườn xoài già cỗi, kém hiệu quả là 4.450ha, với tỷ lệ 36% diện tích trồng xoài. Tỉnh tiếp tục lựa chọn 2 loại giống xoài chủ lực Cát Chu và Cát Hòa Lộc đưa vào sản xuất; phát triển nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh, tiếp tục ưu tiên các thị trường đã nhập khẩu xoài Việt Nam.

Đến năm 2025, có 11.000ha các vùng trồng và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói xoài xuất khẩu đều được cấp mã số, chiếm 100% diện tích đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng theo quy định.

Phấn đấu đến năm 2025, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán có diện tích trồng xoài đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), gắn truy xuất nguồn gốc, dán tem chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm xoài tươi, đạt 20%. Phấn đấu diện tích chuyển đổi sản xuất xoài hướng hữu cơ, xoài hữu cơ đến năm 2025 đạt 2%, tương đương diện tích 293ha.

Bên cạnh đó, phấn đấu ứng dụng đồng bộ công nghệ sau thu hoạch: vận chuyển, phân loại, cắt cuống, xử lý mủ, rửa, sấy khô và cuối cùng là dán nhãn; đóng gói, áp dụng công nghệ xử lý bằng hơi nước bảo hòa (xử lý côn trùng) và cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng (cấp đông nguyên trái), giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 20%, thời gian bảo quản có thể kéo dài đến 2 tháng.

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu thu hút đầu tư mới nhà máy chế biến xoài và phế phụ phẩm xoài có công suất 30.000 tấn xoài/năm, cao gấp 5 lần so với năm 2020.

Để thực hiện các mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức sản xuất (đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chuyển giao kỹ thuật canh tác); đổi mới mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ; ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực; thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia trong chuỗi liên kết, đầu tư cơ sở công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường công tác xúc tiến thương mại; thông tin, tuyên truyền; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị xoài hiệu quả cao...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn