Một số thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao

Cập nhật ngày: 19/06/2022 12:25:06

Lừa đảo thông qua bán hàng trực tuyến

Thông qua việc mua bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội Facebook, Zalo, các đối tượng lừa đảo đặt mua hàng và gửi đường link giả mạo thanh toán tiền bằng dịch vụ chuyển tiền trực tuyến (internet banking), yêu cầu người dân đăng nhập thông tin vào đường link để đánh cắp thông tin thẻ tài khoản ngân hàng rồi chuyển tiền của người dân qua tài khoản của chúng để chiếm đoạt.

Hoặc các đối tượng rao bán hàng với giá rất rẻ và thỏa thuận người dân chuyển tiền trước vào tài khoản của đối tượng, khi nhận được tiền, đối tượng sẽ chuyển hàng sau, thấy giá rẻ, người dân mất cảnh giác đặt mua hàng và chuyển tiền cho đối tượng. Khi nhận được tiền, các đối tượng không giao hàng và cắt hết liên lạc với nạn nhân.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân tuyết đối không cung cấp mã pin, mật khẩu truy cập, mã OTP cho người lạ; đồng thời không bấm vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn, email, mạng xã hội. Hết sức cảnh giác khi mua hàng qua mạng xã hội, cần lựa chọn những cửa hàng uy tín, có địa chỉ rõ ràng, khi mua hàng phải thỏa thuận khi nào nhận hàng thì mới chuyển tiền qua đơn vị giao hàng, từ đó hạn chế được rủi ro do mất tiền. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn, cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, phát hiện và xử lý.

Quảng cáo tìm người làm việc tại nhà để lừa đảo

Đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook đăng quảng cáo tìm người cộng tác bằng hình thức làm việc tại nhà, khi có người liên hệ các đối tượng giới thiệu, tư vấn về các việc làm như: xâu vòng, dán tem son, làm tranh đính đá, lắp ráp bút bi...

Tuy nhiên, muốn nhận sản phẩm về làm thì người dân phải đặt cọc cho chúng một số tiền nhất định và được hứa hẹn sau khi làm xong sẽ thu lại sản phẩm với mức giá cao gấp 3 đến 5 lần và sẽ hoàn trả tiền cọc. Khi người dân đồng ý, chúng sẽ yêu cầu chuyển tiền đặt cọc từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Thế nhưng, sau khi làm xong sản phẩm, người dân sẽ không còn liên lạc được với chúng, số tiền đặt cọc bị các đối tượng chiếm đoạt.

Ngành công an khuyến cáo, khi tìm việc, người lao động cần đến những trung tâm dịch vụ việc làm của Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp có uy tín, có văn phòng, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại bàn cố định... không nên tìm việc làm tại nhà trên mạng xã hội để tránh bị “tiền mất tật mang”.

Mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội để lừa đảo

Đối tượng sử dụng các số điện thoại có đầu số 0555..., 8009... tự xưng là người của cơ quan Bảo hiểm xã hội để thông báo cho người dân việc họ đi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng chưa thanh toán tiền khám chữa bệnh hoặc thông báo người dân đã trục lợi từ quỹ BHYT...

Sau đó yêu cầu người dân cung cấp về nhân thân và nộp một khoản tiền (thông qua tài khoản) để thanh toán chi phí đã khám chữa bệnh hoặc hoàn trả tiền đã trục lợi từ quỹ BHYT, nếu không, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ báo Công an vào cuộc điều tra, trừ tiền có trong tài khoản ngân hàng của người dân, cắt quyền sử dụng thẻ BHYT của người dân...

Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận được các cuộc điện thoại lạ, tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của các đối tượng, nhất là không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại cho người lạ.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội không triển khai bất kỳ hình thức điện thoại trực tiếp nào cho người dân thông báo việc đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT hoặc nói người dân trục lợi tiền của quỹ BHYT. Trong trường hợp nhận được các cuộc gọi như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số hotline của BHYT Việt Nam 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời.

NHẬT ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn