Góc nhìn thực tại lối sống của một bộ phận giới trẻ và vấn đề đặt ra

Cập nhật ngày: 10/01/2022 14:46:39

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220110025806gioitrehienay.mp3

ĐTO - Vấn đề đáng quan tâm đã và đang hiện hữu đối với một bộ phận giới trẻ hiện nay là sự xuất hiện của lối sống thực dụng. Lối sống này là dùng lý trí để sống nhưng luôn đặt cao vấn đề vật chất lên trên, sống không có tình cảm và nghĩ đến người khác, luôn muốn giành những gì có lợi cho mình, bất chấp đó là hành động đúng hay sai. Lối sống này đang là vấn đề đáng báo động, lên án. Nó không chỉ xuất hiện ở một bộ phận không nhỏ giới trẻ mà còn trở thành một vấn đề tiêu cực của nhiều đối tượng trong xã hội hiện đại.

Từ một đứa trẻ ngoan hiền, lễ độ, chăm chỉ học tập, hướng đến ước mơ, hoài bão về tương lai tạo sự hãnh diện, yên tâm của các bậc phụ huynh. Thế nhưng, trong đời sống sinh hoạt tiếp cận qua bạn bè, mạng xã hội, nhất là internet thông qua việc chơi game dẫn đến nghiện game; xem những bộ phim, video clip, tiktok... phản cảm nhưng lại thích thú, dần dần sa đà vào bất kể việc học hành; để đối phó và tránh sự phát hiện của cha mẹ, trong tiềm thức trong trắng của giới trẻ bỗng phút chốc biến thành mảng tối, dùng hành vi qua mặt cha mẹ, khởi đầu bằng những câu nói dối, nhiều lần và thậm tệ hơn còn có lời lẽ vô lễ, xấc xược xúc phạm, bất chấp sự khuyên dạy của đấng sinh thành.

Lý trí mơ mộng hão huyền muốn có gia tài, sự nghiệp lớn nhưng bản thân thì “sợ cực, sợ khổ, sợ khó”, tiếp cận công việc gì mới, thấy khó là bỏ cuộc, chỉ hướng đến những công việc tầm thường, đơn giản, dễ làm, nhẹ nhàng không có mục tiêu phấn đấu; lười biếng không chịu khó học hỏi trau dồi kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ; thụ động ngồi chờ ai giao việc gì thì làm việc nấy, xem việc có tính chất cấp thiết và việc bình thường như nhau; không chủ động tiếp cận công việc, diện kiến, học hỏi người đi trước, người có kinh nghiệm để thạo việc... Từ đó, dẫn đến mất niềm tin từ chủ thể sử dụng lao động, thậm chí đi nhiều nơi, làm nhiều việc nhưng không nơi nào tiếp nhận và công việc không ra sao, bởi không thể hiện được chất lượng, hiệu quả bất cứ việc gì. Thất nghiệp là điều hiển nhiên, tệ hơn có thể suy nghĩ nông cạn, mù quáng, để có tiền nuôi sống bản thân và tiêu xài thực hiện hành vi trái đạo đức xã hội vi phạm pháp luật.

Đây là một căn bệnh nguy hiểm có thể làm băng hoại đạo đức con người. Sống thực dụng luôn đặt cao vấn đề vật chất lên hết, sống từ có tình cảm chuyển sang không có tình cảm và nghĩ đến người khác, sẵn sàng chấp nhận thủ đoạn vô đạo đức để đạt mục tiêu. Sống buông thả, thờ ơ, ăn chơi, đua đòi, lấy bản thân làm trung tâm, mọi suy nghĩ, hành động lấy lợi ích vật chất tầm thường của bản thân làm tiêu chí phấn đấu. Ý thức của bản thân là tính ích kỷ cá nhân, ít chịu tu dưỡng, rèn luyện.

Có nhiều nguyên dân dẫn đến lối sống thực dụng, trong đó một số nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ: Môi trường giáo dục còn chưa chú trọng đến đạo đức, nhân cách, kĩ năng sống; gia đình thiếu sát sao, quan tâm; ảnh hưởng từ mặt trái của cơ chế thị trường; xã hội chưa tổ chức được những hoạt động hữu ích thu hút giới trẻ,...

Thực tiễn phản ảnh tác hại của lối sống thực dụng đã làm tha hóa con người, khơi dậy những ham muốn bản năng, cơ hội, chạy theo hưởng lạc, những lợi ích trực tiếp trước mắt, xa rời những mục tiêu phấn đấu; trong quan hệ giữa người với người, những tình cảm lành mạnh bị thay thế bằng quan hệ vụ lợi, vật chất; trong đời sống, họ vô trách nhiệm, bàng quan, vô cảm, không đấu tranh chống cái sai và cũng không ủng hộ cái đúng, cái tốt...

Một số vấn đề đặt ra góp phần khắc phục dần và hướng đến loại trừ lối sống thực dụng của giới trẻ: Một là, kết hợp chặt chẽ 3 môi trường “nhà trường, gia đình và xã hội”: Nhà trường cần quan tâm giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lối sống lành mạnh cho học sinh, phê phán những biểu hiện lệch lạc; gia đình cần thường xuyên quan tâm và giáo dục cho con có cách sống phù hợp, điều chỉnh kịp thời những biểu hiện không đúng trong cách sống và suy nghĩ. Khắc phục tình trạng thương con, chiều con, tin tưởng tuyệt đối con, đặt mọi niềm tin hy vọng nhưng thiếu kiểm tra, giám sát, theo dõi để con tự tung, tự do đến khi phát hiện ra sự sa đà của con, khởi điểm từ lúc nào không hay biết; xã hội cần quan tâm hơn tới việc thu hút, trọng dụng giới trẻ vào những việc làm có ích. Hai là, tuổi trẻ phải biết biến ước mơ thành hành động cụ thể, năng động, dám nghĩ, dám làm, không uổng phí thời gian, loại bỏ lối sống ích kỉ, vượt qua cám dỗ đời thường. Ba là, tăng cường giáo dục giới trẻ sống phải có khát vọng, lí tưởng, có hoài bão, mục đích sống, động lực để phấn đấu. Bốn là, học tập và noi theo cách sống phù hợp của người lớn, người có uy tín trong xã hội.

Trần Thắng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn