Một cách nhìn về kiến trúc đô thị ở Đồng Tháp

Kỳ 3: Đô thị xanh - mục tiêu phấn đấu của các thành phố ở Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 18/08/2022 16:43:29

ĐTO - Đặt vấn đề “đô thị xanh” với các thành phố ở Đồng Tháp, mới nghe, cũng có vẻ còn quá sớm. Bởi ngay tại thời điểm này, nước ta cũng chưa có văn bản chính thức nào nói về vấn đề này một cách toàn diện, đầy đủ (Luật Quy hoạch đô thị cũng có nêu nhưng chủ yếu nhấn mạnh đến nội dung “Quản lý cây xanh, công viên, cảnh quan tự nhiên và mặt nước”) và khái niệm “đô thị xanh” cũng chưa được nêu một cách rõ ràng, cụ thể. Tuy vậy, tác giả bài viết này vẫn mạnh dạn nêu lên vấn đề như là một tín hiệu dự báo, với lòng tin chắc chắn rằng: bất cứ mọi đô thị nào trên thế giới nói chung, Việt Nam và Đồng Tháp nói riêng, rồi cũng sẽ, cũng phải tiến tới xây dựng thành công “đô thị xanh” như là một cứu cánh tồn tại, phát triển.

>> Kỳ 1: Để kiến trúc đô thị TP Cao Lãnh xứng tầm một tỉnh lỵ

>> Kỳ 2: Đô thị ở Đồng Tháp với qui hoạch tổng thể không gian ngầm - không hề quá sớm

Theo PGS.TS. Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam: “Vấn đề “đô thị xanh” được xem là trọng tâm và mục tiêu phát triển trong quy hoạch của nhiều thành phố trên thế giới, nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới” và “Không gian xanh đô thị không chỉ có cây xanh đường phố, công viên mặt nước mà cần phải có cái nhìn toàn diện hơn bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, thị trấn sinh thái, công viên sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục xanh cảnh quan...” (“Đô thị xanh và hướng phát triển tương lai”, https://qhkt.hochiminhcity.gov.vn/ban-tin-quy-hoach/do-thi-xanh-va-huong-phat-trien-tuong-lai-997.html). Như vậy, có thể khẳng định, với ít nhất các tiêu chí nêu trên, hiện nay, cả nước ta nói chung và ở Đồng Tháp nói riêng, chưa có một đô thị nào đạt được danh hiệu “đô thị xanh”.

Như đã nói ở trên, “đô thị xanh” là một xu hướng và xu thế tất yếu, vì vậy, ngay từ bây giờ, tất cả mọi đô thị, dù lớn hay nhỏ đều phải xây dựng quy hoạch và định hướng phấn đấu. Đi đầu trong lĩnh vực này phải kể là TP Hà Nội với “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 là một điển hình về quy hoạch “đô thị xanh” ở Việt Nam.

Ở Đồng Tháp, với 3 thành phố và những thị trấn huyện lỵ, việc quy hoạch và xây dựng đô thị phát triển hiện đại, phấn đấu đạt “đô thị xanh”, chắc chắn cũng là một mục tiêu đặt ra trong tầm nhìn khoảng hai, ba mươi năm tới đây. Điều đó, đòi hỏi, ngay từ bây giờ, những người có trách trách nhiệm hoạch định quy hoạch và kế hoạch xây dựng, phát triển các đô thị, rất cần phải bắt tay ngay vào công việc. Đây là một thao tác hoàn toàn không sớm chút nào. Trước mắt, với những điều có thể làm ngay, xin đề xuất mấy ý nhỏ sau đây:

Một là, rất cần có một quy hoạch tổng thể, khái quát kèm theo những chỉ định cụ thể, kịp thời về hệ thống và mặt bằng cây xanh đường phố ở các đô thị trong tỉnh, nhất là ở 3 thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự. Nói gì thì nói, “đô thị xanh”, trước hết phải là một đô thị có nhiều cây xanh, nhất là cây xanh đường phố, được quy hoạch và bố trí hài hòa, khoa học. Không thể có một “đô thị xanh” khi các đường phố ở đó thiếu vắng và thưa thớt cây xanh. Vấn đề là phải khảo sát, nghiên cứu để chọn trồng những loại cây nào phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của mỗi đô thị. Cây xanh đường phố phải vừa có tán lá rộng, vừa có bộ rễ sâu, chắc, ít bị gió bão xô đổ. Ở 3 thành phố của Đồng Tháp hiện nay, ngoài cây me nước và một số cây phù hợp với thổ nhưỡng đồng bằng sông Cửu Long, thường thấy cây dầu được trồng 2 bên đường phố. Đây là loại cây được chọn trồng nhiều, nhưng nếu lựa chọn thêm những loại cây khác (lim xẹt; bằng lăng; phượng vĩ...) sẽ tạo nên sự phong phú, đa dạng, không chỉ về giá trị “xanh” mà còn cả giá trị mỹ quan.

Hai là, hệ thống công viên cây xanh kết hợp công viên mặt nước là điều mà các đô thị ở Đồng Tháp có thể thực hiện được trong vòng vài ba năm tới. “Đô thị xanh”, trước hết cần phải có một hệ thống công viên cây xanh, công viên mặt nước tương thích với diện tích và dân số. Đây là một trong những “lá phổi xanh” mà bất cứ đô thị nào cũng phải có, phải cần đối với sự tồn tại của mình. Chưa thể xây dựng được “rừng trong phố” như nhiều đô thị khác trên thế giới thì chí ít cũng phải quy hoạch và xây dựng được các công viên cây xanh và công viên mặt nước, như là một tiêu chí tối thiểu để phấn đấu đạt “đô thị xanh”. Theo quan niệm chủ quan của tôi, với các thành phố của Đồng Tháp, việc thực hiện tiêu chí này hoàn toàn trong tầm tay, miễn là chúng ta phải sớm có quy hoạch và phải quyết tâm thực hiện.

Ba là, ở Đồng Tháp, ngoài TP Sa Đéc đang được coi là một “thành phố hoa” - một tiêu chí rất quan trọng của “đô thị xanh” thì 2 thành phố còn lại (Cao Lãnh, Hồng Ngự) và các thị trấn huyện lỵ cũng cần phải phấn đấu từng bước đi theo hướng này (nếu không là “thành phố hoa” thì chí ít cũng phải được một phần). Hoa cảnh không chỉ làm đẹp cho cảnh quan một vùng đất, tạo thu nhập cao cho người trồng hoa, chăm hoa mà còn góp phần làm sạch môi trường, khí quyển. Cái đẹp ở đây không chỉ cảm nhận bằng thị giác, khứu giác mà cao hơn còn được ban phát, lắng đọng, giao thoa bằng tâm linh, sức khỏe.

Chưa nói đến các vấn đề cốt lõi và cần thực hiện dài hơi của một “đô thị xanh” như: vành đai xanh, hành lang xanh, thị trấn sinh thái, trục xanh cảnh quan..., trước mắt, các đô thị ở Đồng Tháp cần làm được ba điều nói trên, tin rằng, gương mặt “đô thị xanh” ở đây cũng đã hiện ra một cách rõ rệt và đáng tự hào.

Nói tóm lại, ở các đô thị của Đồng Tháp, vấn đề quy hoạch xây dựng, phát triển trước mắt, cũng như trong tầm nhìn tương lai, cần phải gắn với mục tiêu “đô thị xanh” như là một yêu cầu và mục tiêu tất yếu, tối thượng đối với sự tồn tại của các đô thị trong thời đại và kỷ nguyên mới. Đây là một vấn đề hoàn toàn không quá sớm và phải cần thực hiện ngay từ bây giờ.

TAO ĐÀN

 (Hết)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn