Theo thư bạn đọc:

Mong muốn có một chỗ ổn định để làm nghề sửa quần áo

Cập nhật ngày: 11/09/2020 12:08:36

ĐTO - Đó là mong muốn của 10 hộ làm nghề gia công sửa quần áo (cũ và mới) tại đại sảnh nhà lồng trung tâm chợ Cao Lãnh (Phường 2, TP.Cao Lãnh).


Các hộ làm nghề gia công sửa quần áo ở chợ Cao Lãnh mong muốn có một chỗ ổn định để làm nghề

Với ánh mắt buồn rười rượi, cô Nguyễn Thị Sang (57 tuổi) ngụ khóm 4, Phường 6, TP.Cao Lãnh là 1 trong 10 hộ làm nghề gia công sửa quần áo tại đại sảnh nhà lồng trung tâm chợ Cao Lãnh trong tâm trạng lo lắng vì không biết mình có còn làm được nữa không. Cô Sang kể, cô làm nghề gia công sửa quần áo tại chợ Cao Lãnh hơn 20 năm qua. Gia đình cô không có ruộng đất sản xuất, chỉ sống dựa vào nguồn thu nhập từ nghề này. Trước đây, cô ngồi sửa quần áo trên vỉa hè gần nhà lồng chợ. Đến năm 2016, khi khu vực này bị giải tỏa, cô và các hộ sửa quần áo khác được Ban Quản lý (BQL) chợ Cao Lãnh bố trí vào ngồi tạm trong đại sảnh nhà lồng trung tâm chợ Cao Lãnh cho đến nay.

Mỗi hộ được thuê diện tích khoảng 2,5m2 và chi phí thuê gần 250 ngàn đồng/tháng. “Hàng năm, chúng tôi đều gửi đơn kiến nghị BQL chợ và UBND TP.Cao Lãnh xin gia hạn thuê mặt bằng để sửa quần áo, đến nay đã hơn 4 năm. Gần đây, chúng tôi có đơn kiến nghị gia hạn tiếp nhưng không được BQL chợ đồng ý và yêu cầu chúng tôi phải di dời đến nơi khác để trả lại mặt bằng trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thông báo là ngày 28/8/2020. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi vẫn chưa tìm được mặt bằng để di dời. Chúng tôi đã đề nghị BQL chợ gia hạn thêm vài ngày để chúng tôi di dời đến nơi khác” – cô Sang cho biết.

Còn chị Nguyễn Thị Bạch Huệ (41 tuổi) ngụ ấp 2, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh gắn bó với nghề sửa quần áo tại chợ Cao Lãnh hơn 20 năm qua. Chồng mất sớm, chị Huệ gánh vác gia đình nuôi 1 đứa con và cha mẹ già. Nghề sửa quần áo giúp chị có thu nhập khoảng 200 ngàn đồng/ngày để nuôi sống gia đình. Chị Huệ cho biết: “Mấy ngày nay, khi BQL chợ Cao Lãnh thông báo phải di dời đi chỗ khác để trả lại mặt bằng cho chợ, tôi rất lo lắng vì chưa tìm được chỗ thích hợp để di dời. Không có chỗ làm, tôi bị mất việc đồng nghĩa với không có tiền nuôi con và cha mẹ già. Tôi hy vọng, BQL chợ Cao Lãnh và chính quyền địa phương xem xét, hỗ trợ để tôi và các hộ ở đây có một chỗ để được tiếp tục làm nghề sửa quần áo có thu nhập nuôi sống gia đình”.

Tương tự chị Huệ, cô Nguyễn Thị Hà (59 tuổi) hoàn cảnh sống khó khăn, đang ở nhà trọ thuê tại Phường 3, TP.Cao Lãnh nói: “Tôi sống một mình, nhờ nghề sửa quần áo này để kiếm sống qua ngày. Tôi thường đến chợ vào lúc 6 giờ sáng để sửa quần áo cho khách đến tận 18 giờ tối mới về, thu nhập khoảng 200 ngàn đồng. Số tiền này đủ cho tôi chi tiêu cho bản thân và đóng tiền thuê nhà trọ. Hiện nay, BQL chợ thông báo đã đến hạn phải trả lại mặt bằng, tôi cũng biết là mình phải di dời đi chỗ khác, nhưng hiện tại tôi chưa tìm được mặt bằng để thuê. Tôi lớn tuổi rồi, giờ chuyển nghề khác cũng không biết làm nghề gì mà nghỉ làm thì không có thu nhập để lo cho bản thân”.

Không chỉ có chị Huệ, cô Hà mà các hộ khác như hộ cô Lê Thị Thủy Tiên ngụ ấp Tịnh Châu, xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh; cô Nguyễn Thị Kim Tiến ngụ khóm Thuận Trung, phường Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh;... cũng mong muốn BQL chợ Cao Lãnh xem xét, giúp đỡ bố trí cho họ có một chỗ ổn định làm nghề sửa quần áo để có tiền trang trải cuộc sống.

Theo BQL chợ Cao Lãnh, việc sắp xếp các hộ gia công sửa quần áo vào khu đại sảnh nhà lồng trung tâm chợ Cao Lãnh là tạm thời để giải quyết khó khăn trước mắt cho các hộ chưa có chỗ di dời do giải tỏa bàn giao mặt bằng khu Nghi Xuân cho nhà đầu tư. Việc sắp xếp tạm được thực hiện từ tháng 7/2016, với thời gian là 1 năm để các hộ duy trì hoạt động, ổn định cuộc sống và có thời gian tìm vị trí khác để hoạt động lâu dài. Tuy nhiên, qua thời gian sắp xếp tạm, các hộ trên không chủ động tìm vị trí khác để hoạt động lâu dài. Hết thời hạn 1 năm, các hộ lại làm đơn đề nghị xin gia hạn thêm, kéo dài từ tháng 7/2016 đến nay (7/7/2020) đã qua 4 lần gia hạn. Bên cạnh đó, chợ Cao Lãnh đang thực hiện dự án quy hoạch đầu tư xây dựng, sắp xếp lại các ngành hàng, đồng thời việc gia công sửa quần áo là ngành gia công nhỏ lẻ, không phải là ngành hàng nằm trong danh mục kinh doanh mua bán cần phải bố trí trong mặt bằng chợ để hoạt động.

Ngày 30/6/2020, Phòng Kinh tế TP.Cao Lãnh phối hợp BQL chợ Cao Lãnh, UBND Phường 2 tổ chức họp về việc giải quyết đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Sang và các hộ gia công sửa quần áo. Theo đó, căn cứ vào Công văn số 1275/UBND-KT ngày 28/8/2019 của UBND TP.Cao Lãnh về việc chấp thuận chủ trương gia hạn thuê địa điểm kinh doanh sửa quần áo tại chợ Cao Lãnh, với nội dung chấp thuận chủ trương cho gia hạn hợp đồng địa điểm sửa quần áo tại đại sảnh nhà lồng trung tâm chợ Cao Lãnh thêm 1 năm (từ ngày 6/7/2019 đến ngày 5/7/2020) và giao BQL chợ Cao Lãnh có trách nhiệm mời các hộ sửa quần áo đến trao đổi có cam kết giao trả mặt bằng sau khi hết hạn hợp đồng và không được xem xét gia hạn thêm.

Theo đó, Phòng Kinh tế TP.Cao Lãnh đã đề xuất không gia hạn thêm thời gian hoạt động cho các hộ sửa quần áo tại đại sảnh nhà lồng trung tâm chợ Cao Lãnh và không giải quyết di dời theo kiến nghị của các hộ, đề nghị BQL chợ Cao Lãnh làm việc, yêu cầu các hộ sửa quần áo tại đại sảnh nhà lồng trung tâm chợ Cao Lãnh chấp hành đúng theo công văn cho gia hạn của UBND thành phố, các hộ phải có trách nhiệm tự tìm vị trí hoạt động khác và bàn giao lại mặt bằng cho BQL chợ Cao Lãnh theo quy định. Ngày 24/8/2020, UBND TP.Cao Lãnh đã ban hành Văn bản số 2552/VPUBND-KT về việc các hộ sửa quần áo chợ Cao Lãnh đề nghị gia hạn hợp đồng, theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.Cao Lãnh Lê Quang Trạng giao BQL chợ Cao Lãnh thực hiện nghiêm theo Công văn số 1275/UBND-KT của UBND thành phố. Đồng thời thông báo cho các hộ kinh doanh sửa quần áo tại sảnh chợ Cao Lãnh tự di dời trả lại mặt bằng, báo cáo kết quả về UBND thành phố.

Ông Huỳnh Minh Tùng - Trưởng BQL chợ Cao Lãnh cho biết: “Trước mắt, BQL chợ xem xét, hỗ trợ cho gia hạn cho các hộ sửa quần áo thêm vài ngày để họ tìm chỗ mới di dời và trả lại mặt bằng. Đối với ngành hàng này, việc bố trí, sắp xếp cho các hộ vào chợ là rất khó khăn vì đây là ngành hàng gia công nhỏ lẻ. Hiện tại, các hộ này đang ngồi ở khu vực mặt tiền của chợ nên ảnh hưởng vẻ mỹ quan của chợ. Do đó, các hộ này bắt buộc phải di dời. Bên cạnh đó, BQL chợ cũng vận động các hộ hiểu và chấp hành việc di dời sớm nhất. Trong thời gian tới, khi chợ Cao Lãnh mới được xây dựng hoàn thành, BQL chợ sẽ cố gắng xem xét nếu có chỗ bố trí thích hợp sẽ trình UBND TP.Cao Lãnh xem xét.

Ông Lê Quang Trạng - Phó Chủ tịch UBND TP.Cao Lãnh cho biết: kể từ tháng 7/2016 cho đến nay, UBND TP.Cao Lãnh đã 4 lần gia hạn cho hợp đồng địa điểm sửa quần áo tại đại sảnh nhà lồng trung tâm chợ Cao Lãnh cho các hộ trên. Ngày 28/8/2020, Phòng Kinh tế TP.Cao Lãnh phối hợp BQL chợ Cao Lãnh, UBND Phường 2 mời các hộ sửa quần áo tại đại sảnh nhà lồng trung tâm chợ Cao Lãnh để tổ chức cuộc họp trả lời đơn xin gia hạn của các hộ trên. Sau đó, các hộ đã thống nhất chủ trương của UBND thành phố, sẽ tự di dời trả lại mặt bằng cho chợ. Bên cạnh đó, thành phố đang thực hiện xây dựng chợ văn minh, đồng thời tạo vẻ mỹ quan chợ, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy... nên phải di dời các hộ trên. Thời gian tới, khi chợ Cao Lãnh mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, sau khi bố trí các ngành hàng quan trọng vào chợ, nếu còn dư chỗ, UBND TP.Cao Lãnh sẽ xem xét và có thể bố trí họ vào.

M.X

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn