Nhiều hội viên nông dân thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò

Cập nhật ngày: 15/06/2022 18:56:55

ĐTO - Với hiệu quả kinh tế cao, tận dụng nguồn thức ăn tự kiếm, mô hình nuôi bò ở huyện Tam Nông vừa tạo việc làm, vừa nâng cao thu nhập đã thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia chăn nuôi nhằm ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế gia đình.


Ông Lê Văn Tèo ở ấp Long An B, xã Phú Thọ chăm sóc đàn bò chuẩn bị xuất chuồng

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Minh Triết ở ấp Phú An, xã Phú Ninh không có vốn để đầu tư sản xuất nên phải đi làm thuê, cuộc sống nhiều khó khăn. Năm 2017, anh Triết được xét cho vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để mua 2 con bò giống về nuôi. Hàng ngày, thời gian rảnh rỗi anh Triết tìm nguồn thức ăn có sẵn từ cỏ, rơm, thân cây bắp để nuôi bò. Trong quá trình nuôi, anh cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh.

Sau 4 năm nuôi bò, anh Triết đã bán được 8 con bê, giá trên 80 triệu đồng. Hiện gia đình anh đã trả vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, đàn bò phát triển lên được 4 con bò cái, 2 con bê và gia đình anh được công nhận thoát nghèo. Anh Triết cho biết: “Nuôi bò dễ chăm sóc, nguồn thức ăn cũng dễ kiếm, lấy công làm lời, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lời được mấy chục triệu đồng, giờ cuộc sống gia đình tôi đã thoát nghèo, sống ổn định”.

Cũng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, ông Lê Văn Tèo ở ấp Long An B, xã Phú Thọ vay 30 triệu đồng xây chuồng mua 4 con bò giống để nuôi. Gần 2 năm sau, ông Tèo đã cho bò xuất chuồng, thu nhập được hơn 63 triệu đồng. Ông Tèo bộc bạch: “Nhờ Hội Nông dân quan tâm hỗ trợ xét cho vay vốn, tôi mới có điều kiện để phát triển chăn nuôi. Thời gian vay hoàn trả vốn 3 năm đã giúp gia đình tôi làm ăn có hiệu quả, có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, cải thiện đời sống. Nếu được bên Hội Nông dân tạo điều kiện cho tôi được tiếp tục vay vốn, tôi sẽ mở rộng chăn nuôi, tăng đàn để kiếm thêm thu nhập”.

Tương tự, anh Lê Thái Tiền cũng ở ấp Long An B, xã Phú Thọ đã có hơn 5 năm nuôi bò sinh sản. Từ cặp bò đực và cái ban đầu được anh nuôi vào năm 2016, đến nay, gia đình anh Tiền đã tăng đàn bò lên 6 con bò cái và 1 con bò đực. Theo anh Tiền, nuôi bò đạt hiệu quả hơn các loại khác, nguồn thức ăn dễ kiếm, ít bị dịch bệnh và bán được giá. Mỗi năm, đàn bò cái của gia đình anh Tiền sinh sản từ 5 - 7 con bê. Thời gian nuôi 1 con bê cho đến khi xuất bán khoảng 15 tháng, với giá từ 12 - 15 triệu đồng/con. Hàng năm, gia đình anh Tiền thu nhập hơn 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 50 triệu đồng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Nông đang nuôi hơn 2.400 con bò các loại. Trong đó, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh và Trung ương đã phát vay hơn 1,3 tỷ đồng cho trên 60 hội viên nông dân vay để nuôi bò. Hiện mô hình nuôi bò vỗ béo và sinh sản có 433 hộ áp dụng, thu nhập bình quân 50 triệu đồng/hộ/năm, đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.

Việc triển khai hiệu quả nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đã tiếp thêm động lực để các hộ nghèo, cận nghèo, hội viên nông dân mạnh dạn thay đổi cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã hỗ trợ cho trên 300 hội viên nông dân nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển chăn nuôi. Qua đó, góp phần giảm hộ nghèo trong hội viên nông dân xuống còn 435 hộ, chiếm 1,54% trong năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông cho biết, để tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát triển chăn nuôi, Hội Nông dân huyện đang đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Trung ương Hội tăng thêm nguồn vốn hỗ trợ để nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng mô hình nuôi bò, tăng đàn để ổn định thu nhập, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

N.LONG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn