Huyện Lấp Vò

Tập trung sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng thương hiệu

Cập nhật ngày: 05/01/2022 15:36:10

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220105033717dt2-5.mp3

ĐTO - Thời gian qua, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Lấp Vò đẩy mạnh tập trung sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng thương hiệu nông sản cho người dân.


Nông dân trên địa bàn huyện Lấp Vò tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh

Theo UBND huyện Lấp Vò, thời gian qua, để góp phần đưa Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi vào chiều sâu, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến người dân.

Lúa gạo được xem là sản phẩm thế mạnh của địa phương, để nâng cao giá trị cho mặt hàng này, thời gian qua huyện Lấp Vò quan tâm thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp. Năm 2021, tổng diện tích thực hiện liên kết tiêu thụ lúa của huyện là 3.850ha, tăng 385ha so với năm 2020. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung hỗ trợ các xã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật với diện tích 200ha tại các xã Vĩnh Thạnh, Tân Mỹ, Định An.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng huyện còn tập trung phát triển cây màu. Trong đó, tiếp tục theo dõi mô hình sản xuất khoai môn theo hướng an toàn ở các xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Hội An Đông, Tân Mỹ; mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Định An; trồng dưa lưới trong nhà màng kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt ở xã Tân Khánh Trung. Đồng thời triển khai thực hiện mô hình sản xuất khoai môn được chứng nhận VietGAP với diện tích 71,17ha ở các xã xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B; phối hợp với triển khai thực hiện vùng sản xuất nông nghiệp tại xã Mỹ An Hưng A, quy mô diện tích 126ha...

Đối với cây ăn trái và hoa kiểng, huyện Lấp Vò tập trung hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP. Rà soát các mã số vùng trồng được cấp; hướng dẫn, hỗ trợ các Tổ hợp tác trồng xoài, trồng nhãn và hoa kiểng trên địa bàn huyện đăng ký mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường. Đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, hoa kiểng theo đúng quy định nhằm nâng cao thu nhập; triển khai thực hiện mô hình vườn cây kiểu mẫu kết hợp du lịch trải nghiệm với diện tích 2ha tại xã Tân Khánh Trung...

Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Lấp Vò còn gặp nhiều khó khăn. Khi dịch Covid-19 bùng phát, các tỉnh thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên việc sản xuất, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, giá nông sản xuống thấp làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, phần lớn nông sản được bán thô, chưa có nhiều sản phẩm chế biến nên giá trị thấp; một số mô hình khuyến nông sau khi thực hiện xong chậm nhân rộng; nông dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước...

Nhằm nâng cao tính bền vững trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh và kế hoạch thực hiện Đề án của huyện nhằm tạo sự đồng thuận thực hiện trong Nhân dân. Song song đó, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình khuyến nông làm cơ sở nhân rộng trong sản xuất. Thực hiện thí điểm các mô hình khuyến nông trình diễn gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ để nông dân tham gia thực hiện, tạo cho nông dân làm quen dần với phương thức sản xuất liên kết, đảm bảo chất lượng, số lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó nhân rộng mô hình cho nhiều nơi thực hiện. Triển khai đăng ký mã số vùng trồng để từng bước tiến đến thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu...

Bên cạnh đó, huyện tập trung tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Nhằm giải quyết vấn đề đầu ra của nông sản, địa phương đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn huyện; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các loại hình chế biến nông sản. Đồng thời tăng cường phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, các viện, trường để thực hiện các đề tài, dự án về nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ mới, kịp thời tiếp thu, nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất cho nông dân. Hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản để giúp nông dân an tâm trong sản xuất...

KHÁNH PHAN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn