Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Cập nhật ngày: 24/08/2021 06:27:11

ĐTO - Đến tháng 8/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố vận dụng hiệu quả các nguồn vốn (trong đó có nguồn vốn xổ số kiến thiết), hoàn thiện cơ sở vật chất (CSVC), đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu, xây dựng và mua sắm, thực hiện chương trình giáo dục mầm non (MN) và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025.


Cơ sở vật chất khang trang góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học theo chương trình mới

Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, thực hiện lộ trình đầu tư CSVC với việc huy động nhiều nguồn kinh phí từ tỉnh, huyện, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, kinh phí xã hội hóa... Tập trung vào các chương trình, đề án theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT như Đề án bảo đảm CSVC cho chương trình giáo dục MN và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025; chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông... Đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thiện các hồ sơ, phương án theo đúng quy định để triển khai, thực hiện đảm bảo tiến độ.

Ngày 16/8, từ nguồn vốn xổ số kiến thiết và chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2016 – 2020 căn cứ vào phê duyệt của Sở Kế hoạch và Đầu tư về dự toán mua sắm thiết bị, bàn, ghế, bảng, kệ... cho công trình Trường THPT Tân Hồng, Sở GD&ĐT thực hiện tổ chức các hồ sơ, thủ tục mua sắm, theo đúng quy định hiện hành. Năm học 2021–2022, với sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT và các ngành liên quan, từ nguồn vốn xổ số kiến thiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho tập thể giáo viên, học sinh Trường THPT Tân Hồng có thêm các trang thiết bị phục vụ nhu cầu giảng dạy cho năm học mới. Không chỉ đầu tư các trang, thiết bị phục vụ cho nhu cầu dạy và học, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố đã thực hiện lộ trình đầu tư các công trình phụ như: phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch phục vụ cho học sinh, giáo viên của trường. Đến nay, 100% các điểm trường trong tỉnh đều có các công trình phụ, nhà vệ sinh, nước sạch, bồn rửa tay, xà phòng... phục vụ cho học sinh, giáo viên.

Tại thành phố Sa Đéc, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đối với cấp Tiểu học, hiện nay CSVC đã đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Các đơn vị trường đều thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng có hiệu quả CSVC phục vụ cho hoạt động dạy-học và các hoạt động giáo dục khác. Các trường có phòng thiết bị riêng biệt phục vụ dạy, học và làm việc. Hệ thống thư viện trường đủ số lượng sách, tài liệu tham khảo, có phòng đọc dành cho giáo viên và học sinh. Ngoài ra, CSVC của trường đầy đủ, đáp ứng việc dạy và học 2 buổi/ngày và các hoạt động giáo dục học sinh toàn diện trong nhà trường. Trong đó có việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với chăm sóc di tích lịch sử; mô hình “Tủ sách thân thương” dưới sân trường, thư viện và góc chia sẻ đồ dùng học tập được duy trì. CSVC đảm bảo góp phần hỗ trợ tích cực trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh như các câu lạc bộ múa, thể dục thể thao (bơi lội, cầu lông, bóng chuyền, cờ vua,...); các hội thi cắm hoa, vẽ tranh, làm thiệp chức mừng, tham quan dã ngoại; trải nghiệm trồng cây... Triển khai dạy học tiếng Anh tăng cường với giáo viên người nước ngoài có hiệu quả, triển khai mô hình dạy kỹ năng sống trong trường học cho tất cả các khối lớp...

Tại huyện Tam Nông chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD&ĐT chủ động tham mưu với UBND huyện trong việc quy hoạch, đầu tư CSVC đảm bảo đạt chuẩn Quốc gia góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh... Đến nay, huyện Tam Nông là địa phương đảm bảo điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Có 10/20 trường Tiểu học UBND tỉnh ra quyết định công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và mức độ 2. Đặc biệt, các trường nhiều mô hình như: thư viện thân thiện, thư viện xanh, thư viện thân thương dưới sân trường, góc thư viện lớp học,... tạo môi trường học tập nghiên cứu lành mạnh, hiệu quả dành cho học sinh, giáo viên. Bên cạnh đó, tập thể các nhà trường luôn chú trọng giữ gìn môi trường, mạnh dạn đầu tư đăng ký trường đạt chuẩn “Xanh-Sạch-Đẹp”. Hiện nay, huyện Tam Nông có 13/20 trường Tiểu học (chiếm 65%) được Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định công nhận trường đạt chuẩn “Xanh-Sạch-Đẹp”...

Sự quan tâm đối với việc đầu tư, hoàn thiện CSVC của các địa phương trong tỉnh đã tạo tiền đề góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia các ngành học, cấp học. Đối với ngành học MN, hiện có có 44/179 trường đạt chuẩn mức độ 2, tăng hơn năm học trước 10 trường. Cấp Tiểu học có 126/267 trường đạt chuẩn mức độ 1, tăng hơn năm học trước 8 trường; 13/267 trường đạt chuẩn mức độ 2, tăng hơn năm học trước 4 trường. Cấp THCS, có 11/136 trường đạt chuẩn mức độ 1, tăng hơn năm học trước 6 trường; 66/136 trường đạt chuẩn mức độ 2. Cấp THPT có 27/43 trường đạt chuẩn mức độ 2...

Dù điều kiện kinh tế - xã hội vẫn còn khó khăn, nguồn lực để đầu tư phát triển còn hạn chế nhưng UBND tỉnh quan tâm tăng cường đầu tư các nguồn lực cho ngành GD&ĐT. Các địa phương đều thực hiện ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2021 cho ngành giáo dục, định mức phân bổ ngân sách. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh phân bổ phần đầu tư cho các công trình trường học ở các xã theo lộ trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Đảm bảo điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn mới, Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tiến hành mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với các lớp thay sách; hoàn thiện thêm các công trình phụ phục vụ cho nhu cầu ứng dụng, đổi mới chương trình giảng dạy đối với từng ngành học, cấp học.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn