Hiệu quả từ mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá

Cập nhật ngày: 04/05/2022 13:08:13

ĐTO - Nhằm nâng cao thu nhập trên đất trồng lúa, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe người dân, anh Nguyễn Đức Trí ngụ khóm 1, phường An Bình B, TP Hồng Ngự đang triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá. Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, làm cơ sở tiến tới nhân rộng mô hình trên địa bàn.


Mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá của anh Nguyễn Đức Trí tạo ra “làn gió mới” trong việc phát triển nông nghiệp bền vững tại TP Hồng Ngự

Anh Trí cho biết, trước đây, gia đình anh sản xuất lúa theo cách truyền thống với những giống lúa thuần chất lượng cao, sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật tràn lan nên ảnh hưởng đến sức khỏe người dân cũng như môi trường sống. Vì lẽ đó, vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, anh quyết định chuyển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp thả cá nuôi trên đồng. Sau khi tham quan học tập mô hình canh tác lúa - cá tại các địa phương lân cận, anh thực hiện trên 5ha ruộng của gia đình. Ngoài ra, anh còn đầu tư làm đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống thủy lợi, chia diện tích ra 2 phần, 1 phần đào ao nuôi cá, 1 phần trồng lúa.

Vụ đầu tiên, anh Nguyễn Đức Trí thả trên 4 tấn cá giống các loại như: cá mè vinh, cá rô, cá trê... Ngoài lượng thức ăn công nghiệp, nguồn thức ăn cho cá còn được tận dụng từ những diện tích cỏ mọc hoang. Sau 3 tháng nuôi, cá phát triển tốt. Bên diện tích lúa, anh Trí gieo sạ giống lúa ST 25, áp dụng hoàn toàn phương pháp hữu cơ.

Theo anh Trí, việc nuôi cá và lúa mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh. Cá ăn sâu bệnh hại nên lúa ít bị sâu bệnh, cá sục bùn diệt cỏ dại. Các chất thải của cá có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn của ruộng, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi, giảm lượng phân bón, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm cỏ và công làm đất. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được chi phí thức ăn; việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm chi phí trong quá trình canh tác. Anh Trí chia sẻ: “Khi nuôi cá trong ruộng lúa, đầu tiên là phải lựa chọn giống cá phù hợp với hệ sinh thái đồng ruộng; chọn nuôi các loại cá không cạnh tranh thức ăn với nhau; phải chú ý về hệ thống thoát nước để điều tiết lượng nước trong ruộng cho phù hợp với từng thời điểm. Trong trường hợp mưa bão, nước lớn phải bơm nước chuyển cá sang khu ruộng gieo sạ để tránh thất thoát cá. Cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên là chính nên chất lượng thịt cá thơm ngon, bán được giá.

Mô hình nuôi lúa cá của anh Trí góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và giảm tình trạng ruộng bị bỏ hoang tại địa phương. Trong vụ đông xuân 2021-2022, anh Trí thu hoạch được hơn 20 tấn lúa ST 25 và bán được 7.200 đồng/kg, góp phần mang lại thu nhập khá. Anh Trí cho biết, trong các vụ lúa tiếp theo sẽ tiếp tục có hướng mở rộng sản xuất cho các hộ nông dân lân cận để nâng cao chuỗi giá trị. Cùng với đó, xúc tiến ký kết hợp tác với doanh nghiệp nhằm bao tiêu đầu ra bền vững...

Ông Nguyễn Huấn - Phó Phòng Kinh tế TP Hồng Ngự cho biết: “Mô hình của anh Trí không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học nên sẽ sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Phòng Kinh tế thành phố sẽ hỗ trợ mô hình trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm để nâng cao giá trị. Nếu hoạt động có hiệu quả, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện để nhân rộng mô hình; tiếp tục tìm tòi những mô hình mới, phù hợp để đưa vào sinh kế tận dụng thời gian đất đai nhàn rỗi, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn