Nâng cao chất lượng, hiệu quả ban hành các nghị quyết về các vấn đề quan trọng của địa phương

Cập nhật ngày: 30/09/2019 05:50:48

ĐTO - Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh ban hành 349 nghị quyết quy phạm pháp luật thực hiện trên địa bàn. Các nghị quyết của HĐND tỉnh khi ban hành được triển khai thực hiện tốt, có một số nghị quyết điển hình được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao trong nhiều năm qua như: các nghị quyết liên quan đến các chính sách thu hút đầu tư; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân,... đã được các nhà đầu tư, cử tri và nhân dân trong tỉnh ghi nhận, phấn khởi và đồng thuận cao, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà.


Quang cảnh hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

Các nghị quyết của HĐND tỉnh khi được ban hành đều bảo đảm đúng theo trình tự, thủ tục thẩm quyền quy định, cụ thể hóa kịp thời Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quyết định những vấn đề quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đã có nhiều đổi mới phù hợp, lựa chọn đúng và quyết định nhiều vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân bức xúc, quan tâm và đồng thuận cao. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh trong công tác chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết, đề án, tờ trình để trình tại kỳ họp HĐND có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, còn chậm; việc tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và các đối tượng chịu tác động của chính sách đôi khi còn hạn chế, ý kiến góp ý đối với các Nghị quyết, đề án, tờ trình còn ít...

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả ban hành các nghị quyết về các vấn đề quan trọng của địa phương, HĐND tỉnh đề ra một số giải pháp như: nội dung nghị quyết phải xuất phát từ yêu cầu thực tế, giải quyết nhiệm vụ cụ thể về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương; nội dung được lựa chọn để ban hành phải thật sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và nhân dân, yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống và của công tác quản lý nhà nước và xã hội; gắn kết trách nhiệm của Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh, vấn đề chính là nâng cao trách nhiệm của UBND tỉnh và các cơ quan soạn thảo có liên quan để bảo đảm đúng tiến độ về thời gian chuẩn bị văn bản trình các Ban HĐND tỉnh để thẩm tra.

D.C-V.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn