Xây dựng lại kênh bán lẻ sản phẩm đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 16/09/2021 15:22:26

ĐTO - Kinh doanh sản phẩm đặc sản bằng hình thức online đang là xu hướng hiện tại và thời gian sắp tới. Tuy tiện lợi nhưng kênh bán hàng này cần được xây dựng dựa trên sự tin tưởng của khách hàng trong thời gian dài. Ngoài việc phải đảm bảo chất lượng, thì đa dạng sản phẩm, thường xuyên giao lưu, tương tác, chia sẻ hình ảnh, thông tin sản phẩm cũng sẽ giúp thu hút, mở rộng khách hàng tiềm năng...


Sản phẩm trà sả - chanh - gừng mật ong của Ngọc Phụng Food (Đồng Tháp) được ưa chuộng trong mùa dịch

Hơn 10.000 doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long rời thị trường

Báo cáo của Tổng cục thống kê vừa công bố, trong 8 tháng đầu năm, đã có 85.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Con số này tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 8 vừa qua được xem là tháng đặc biệt khó khăn vì nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19.

Tại buổi đối thoại trực tuyến “Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19” vừa qua, ông Nguyễn Phương Lam -Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này đã gây ra khủng hoảng trên toàn miền Nam, trong đó với ngành chế biến nông, thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần như “tê liệt” hoàn toàn. Theo đó, chỉ trong vòng hai tháng qua, ĐBSCL đã có hơn 60.000 ca mắc Covid-19, dù không nhiều so với TP HCM hay tỉnh Bình Dương, nhưng việc xuất hiện rải rác ở cả 13 địa phương trong toàn vùng, dẫn đến tình trạng “đóng băng” trong sản xuất do các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Từ tháng 6 đến 8/2021, toàn vùng ĐBSCL đã có trên 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, cao hơn tổng số doanh nghiệp đã rời thị trường trong nửa đầu năm nay đến khoảng 4.000 doanh nghiệp (6 tháng đầu năm có hơn 6.000 doanh nghiệp rời thị trường). Trong khi đó, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động của vùng ĐBSCL lên đến gần 90%.

Theo khảo sát doanh nghiệp quý III của VCCI Cần Thơ, có 40% doanh nghiệp tiếp tục bi quan về tình hình việc làm cho người lao động; 40% doanh nghiệp cho rằng doanh thu suy giảm và có 40% doanh nghiệp tin rằng tình hình tiếp cận nguồn nguyên liệu sẽ kém đi... Bên cạnh việc khai thông lưu chuyển hàng hóa, các doanh nghiệp ở ĐBSCL còn kiến nghị Chính phủ cần sớm có các chính sách tài chính, tín dụng tốt để tạo đòn bẩy mạnh mẽ khi hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại.

Tìm thị trường mới

Dịch Covid-19 tạo ra nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải năng động tìm hướng đi mới theo nhu cầu xã hội... Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (One Commune – One Product- OCOP), trên cả nước, số lượng các điểm bán sản phẩm OCOP còn rất thấp. Ngược lại, tại Cần Thơ, anh Nguyễn Bỉnh Khiêm là người tiên phong mở cửa hàng OCOP. Anh Khiêm nói: “Tuy đã có kinh nghiệm quảng bá đặc sản từ trước, nhưng OCOP - hầu như chưa ai biết nhiều. Cái khó là khách hàng hay thắc mắc về giá cả, giống như trước đây mua đặc sản. Nhưng OCOP có những quy định khá cụ thể, có câu chuyện rõ ràng, minh bạch nên qua đó tôi rút kinh nghiệm trong cách quảng bá, giới thiệu và có chính sách chào bán, simpling”. Theo anh Khiêm, khách dùng thử, người thì nói sản phẩm gì mà cay quá, mặn quá hay ngọt quá... Những thông tin được ghi nhận và chuyển giao cho nhà sản xuất. Từ đó họ điều chỉnh, cải tiến, hoàn thiện hơn. Cách tiếp cận khách hàng trực tiếp, nói chuyện online giúp cho các chủ thể OCOP phát triển sản phẩm là động lực để mình vượt qua những khó khăn.

Những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hầu như cửa hàng của anh Khiêm phải chạy đơn online. Vợ chồng anh bàn cách làm những “combo đặc sản”, miễn phí giao hàng trong nội ô như là cách cùng chung tay với khách hàng vượt qua khó khăn trong đại dịch. Những gói trà chanh-sả- gừng mật ong, trà sen, nước mắm đồng, tinh dầu của Đồng Tháp, cho tới những túi gạo ST25 của Sóc Trăng, hay các loại trái cây ngon của đồng bằng đều được anh chị lựa chọn, gói hàng thật kỹ.

4 năm nay, Ngoc Phung Food (Công ty TNHH thực phẩm Ngọc Phụng, xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh) tập trung công lực vào nguồn nguyên liệu an toàn và công nghệ chế biến, tìm đường thoát cho mận Hòa An, bưởi, cam, tắc... theo chuỗi. Nhiều loại sản phẩm “nhà làm” tăng sức đề kháng trong mùa dịch đang từng bước chuẩn hóa để đưa ra thị trường.

Chị Bùi Thị Thanh Thủy - Giám đốc công ty cho biết, Ngoc Phung Food đã đầu tư dây chuyền sản xuất nhiều tỷ đồng. Nhờ uy tín của một dự án khởi nghiệp mà các công ty chuyên làm bánh kẹo với cam, bưởi và sô cô la, những điểm kinh doanh nước cốt chanh, xi rô, mứt và trà đã đặt hàng sản phẩm của Ngoc Phung Food. Ban đầu, chị Thủy cũng như các đơn vị khởi nghiệp khác muốn áp đặt suy nghĩ lên thị trường, nhưng bây giờ lại khác, phải biết khách hàng muốn gì, thương mại hóa kiểu gì. Chị Thủy nhận ra, tìm kiếm khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh lại càng là bài toán khó. 100 người có đến 101 ý. Phân khúc người lớn tuổi, thu nhập từ trung bình đến khá, lại khó tính. Việt kiều yêu cầu vị ngọt vừa phải, mùi hương tự nhiên, nhẹ nhàng... Còn khách hàng trẻ, chị Thủy tâm sự: “Cũng khó lắm luôn! Nơi này chê nồng quá, không ngọt, có nơi ưng... Bây giờ, nhờ tham gia chương trình OCOP, tiếp cận công nghệ, tìm kiếm khách hàng từ truyền thống cho tới online, các sản phẩm của Ngoc Phung Food đã dần có chỗ đứng trên thị trường...”.

Bước khởi nghiệp của chị Thủy được gọi là thành công. Nhưng chị hiểu rằng, dừng quá lâu với quy mô nhỏ sẽ lẩn quẩn, không thể tiến xa được. “Mình phải chịu khó hơn nữa mới được, nếu muốn tồn tại”, chị Thủy bộc bạch.

Nguyệt Đỗ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn