Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Cập nhật ngày: 13/05/2022 13:15:38

ĐTO - Theo Quyết định số 2545 ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Kết quả, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản đạt 89,8%, vượt 14,8% so với kế hoạch (75%), đến cuối năm 2021 đạt 92,2%. Số máy POS được lắp đặt và đưa vào sử dụng 682 máy, vượt 82 máy so với kế hoạch (600 máy POS). Đến cuối năm 2021, số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (POS) đã được lắp đặt là 777 máy (tăng 95 máy so với cuối năm 2020). Tổng số tài khoản thẻ phát hành trên địa bàn hơn 1,046 triệu thẻ, vượt 266.000 số tài khoản thẻ so với kế hoạch (780.000 tài khoản); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên tại trung tâm đô thị có tài khoản tại ngân hàng đạt 99,99%, vượt gần 25% so với kế hoạch (75% trở lên). Đến cuối năm 2021, số thẻ được phát hành là 1,206 triệu thẻ (tăng 160.000 thẻ so với cuối năm 2020).


Một người dân thanh toán tiền điện, nước qua tài khoản thẻ và kiểm tra việc thanh toán bằng điện thoại di động

Ngoài ra, đối với tình hình thực hiện thanh toán học phí qua ngân hàng cũng đạt được một số kết quả nhất định: 12 huyện, thành phố đều triển khai đến phụ huynh học sinh thực hiện thu hộ học phí với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có 145 cơ sở giáo dục đã ký hợp đồng với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để thu hộ các khoản học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt, với tổng số tiền thu là 5.924 triệu đồng.

Tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi dần tập quán sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán đối với tổ chức, cá nhân, giảm chi phí liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông trên địa bàn; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân. Đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ, khủng bố.

Về cơ chế, chính sách, tiếp tục khuyến khích thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ như: điện, nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp; triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử mới; khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử và hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ không phân biệt giữa thanh toán bằng tiền mặt với các phương tiện thanh toán điện tử. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) và hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động, góp phần thúc đẩy thanh toán bán lẻ, theo chỉ đạo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ thống ngân hàng cấp trên, hướng tới vận hành theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo khả năng kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác để phục vụ thanh toán trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Tỉnh quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số và xây dựng xã hội số giai đoạn 2021-2025. Trong đó, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn